Thông tin giao dịch tại CTCP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (VNS), bà Ngô Thị Thúy Vân – vợ Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành - đăng ký mua vào hơn 5,4 triệu cổ phiếu Công ty. Giao dịch được thực hiện từ ngày 27/8/2020 đến 25/9/2020 theo phương thức thỏa thuận.
Nếu mua vào thành công, bà Thúy Vân sẽ nâng tỷ lệ sở hữu ở Vinasun từ 2,59% lên 10,56%; tương đương nắm giữ hơn 7 triệu cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn tại Vinasun. Trong đó, số lượng cổ phiếu mà bà Vân đăng ký mua vào bằng đúng số lượng mà con trai bà – ông Đặng Thành Duy - vừa đăng ký bán ra, tương đương 7,97% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Sau giao dịch, ông Duy không còn là cổ đông lớn Công ty. Trên thị trường cổ phiếu VNS vừa phục hồi từ vùng đáy hơn 7 năm, hiện đang giao dịch quanh mức 11.000 đồng/cp, tăng 51% trong vòng gần 5 tháng. Tạm tính theo giá này, nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký, ông Đặng Thành Duy sẽ thu về khoảng hơn 60 tỷ đồng.
Cùng bán ra cổ phiếu còn có cổ đông lớn Nguyễn Ngọc Phi, giảm tỷ trọng và không còn là cổ đông lớn từ ngày 24/7/2020. Hay Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh cũng đã bán sạch 7,2 triệu cổ phiếu VNS (tương ứng 10,61% vốn cổ phần) và chính thức không còn là cổ đông lớn của Vinasun. Giao dịch thực hiện ngày 30/6/2020 – cũng là ngày xuất hiện giao dịch thỏa thuận đúng 7,2 triệu cổ phiếu VNS với giá bình quân 10.700 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch hơn 77 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Công ty TNHH Tư vấn Kim Ngưu đã mua 7,2 triệu cổ phiếu VNS, nâng tỷ lệ sở hữu lên 12,67% và chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vinasun kể từ ngày 2/7/2020.
Trái chiều với giao dịch cổ phiếu, Vinasun đang đối mặt với khó khăn chồng chất, đặc biệt trước đại dịch Covid-19. Năm 2020, HĐQT thông qua kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng - đây cũng là lần đầu Công ty đặt kế hoạch thua lỗ. Trả lời chất vấn cổ đông xoay quanh kế hoạch bi quan này, đoàn Chủ tịch cho biết dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 1/2020, thật sự với tình hình hoạt động của Công ty mẹ, doanh thu Công ty mẹ trong quý 1 đạt 155,3 tỷ đồng, lợi nhuận ghi nhận 9,13 tỷ đồng.
Khi có dịch bệnh, lượng khách sụt giảm rất nhiều; lúc đó 2 tình hướng đã xảy ra với Công ty, lượng khách sụt giảm đồng thời tâm trạng của các anh em lái xe cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi đối mặt với dịch bệnh. Quý đầu năm Công ty lỗ 17 tỷ đồng, khi hoạt động bị đóng băng, dịch vụ bị ngưng từ ngày 1/4 nên hoạt động Vinasun hoàn toàn tê liệt, loạt chi phí Công ty phải gánh chịu rất lớn. Ngay trong tháng 4, Công ty ghi nhận lỗ 50 tỷ đồng. Khi đóng cửa, anh em lái xe đi về quê để tránh dịch bệnh.
"Thật sự hoạt động kinh doanh bị tê liệt ngay tại thời điểm đó. Chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vào quý 2. Trong quý 2, toàn bộ GDP của nền kinh tế chỉ đạt 0,36% nên hậu quả rất nặng nề, riêng Vinasun ước lỗ 116 tỷ đồng, doanh thu đạt 145 tỷ đồng", đại diện Công ty phân trần.
Về Vinasun, kể từ cú ‘sốc’ trước đối thủ ngoại Grab và Uber (hiện đã sáp nhập với Grab tại Việt Nam), Vinasun sau thời gian sụt giảm mạnh đã bắt đầu hồi phục đáng kể. Bên cạnh việc ghi nhận nguồn thu từ thanh lý xe, hoạt động kinh doanh của Vinasun đang dần hồi phục thông qua đà tăng trưởng từ hoạt động vận tải hành khách hợp đồng song song với thu nhập quảng cáo trên taxi.
Luỹ kế cả năm 2019, Vinasun đạt 1.991 tỷ doanh thu, trong đó doanh thu vận tải bằng taxi đạt 1.728 tỷ, doanh thu vận tải theo hợp đồng đạt hơn 240,5 tỷ đồng. Thu nhập khác năm 2019 đạt hơn 92 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ thanh lý tài sản gần 45 tỷ đồng, từ quảng cáo trên taxi hơn 40 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Vinasun gần 109 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng so với mức 88 tỷ năm ngoái.