CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) vừa công bố Báo cáo quản trị năm 2018, trong đó sở hữu của Chủ tịch Đặng Phước Thành cùng với những người liên quan gần như không thay đổi với hai cổ đông lớn là ông Thành – 24,92% và ông Đặng Thành Duy – 7,97%.
Đáng chú ý, trung tuần tháng 10/2018, cổ đông Nguyễn Kim Phượng đã mua thêm cổ phiếu VNS, nâng sở hữu từ 4,926% lên 5,006%, chính thức trở thành cổ đông lớn Công ty. Trên thị trường, cổ phiếu VNS có đợt sóng tăng mạnh thời điểm tháng 10, đến nay đã điều chỉnh về vùng giá 17.000 đồng/cp.
Biến động giá cổ phiếu Vinasun trong 1 năm
Ở chiều ngược lại, trong thời gian phân xử vụ kiện giữa Grab và Vinasun, giữa tháng 6/2018 cổ đông lớn thứ ba - quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore đã thông báo về việc không còn là cổ đông lớn của Vinasun khi bán ra toàn bộ cổ phần nắm giữ. Được biết, tổ chức này đã mua 4,5 triệu cổ phiếu VNS tương ứng 7,96% vào ngày 14/8/2014. Theo ước tính, GIC đã chấp nhận cắt lỗ hơn 120 tỷ đồng ở khoản đầu tư vào Công ty này.
Điểm qua về vụ kiện gây nhiều tranh cãi giữa Vinasun với Grab, Vinasun chính thức khởi kiện Grab từ tháng 6/2017. Phía Vinasun cho rằng, Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành quyết định 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Đề án 24) để thực hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi. Theo Vinasun, những vi phạm của Grab đã khiến Vinasun bị thiệt hại gần 42 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Phiên tòa sau nhiều lần bị hoãn đã chính thức mở lại vào sáng 28/12/2018. Tại phiên xét xử này, đại diện VKSND Tp.HCM khẳng định Grab có vi phạm pháp luật và thiệt hại do những vi phạm này gây ra cho Vinasun có thể lớn hơn. Chỉ có điều Vinasun không chứng minh được thiệt hại của mình là do duy nhất Grab gây ra. Đại diện Viện Kiểm soát đề xuất TAND Tối cao kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng lại khung pháp lý về quản lý các loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
Trên quan điểm của mình, Hội đồng Xét xử (HĐXX) khẳng định hoạt động của Grab là kinh doanh taxi đồng thời xác định Grab đã vi phạm Nghị định 86 và Đề án 24 khi chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng lại kinh doanh vận tải taxi. Do vậy, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.