Tính đến ngày 22/3/2020 Việt Nam đã có 99 ca nhiễm Covid-19 cho thấy sự kiểm soát dù đã được tăng cường nhưng chưa thể hoàn toàn khống chế được sức tăng của dịch bệnh. Do đó, tình hình đòi hỏi những giải pháp mới trong tuần tới, và nhu cầu về khẩu trang cũng như các vật tư y tế dự phòng càng tăng cao.
Trong tuần vừa qua, thị trường đã đón nhận mạnh dòng sản phẩm khẩu trang mới với tên gọi "khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp", do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển mẫu và được Dệt Kim Đông Xuân sản xuất. Lớp ngoài của sản phẩm là vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc của Dệt Kim Đông Phương, 2 lớp trong là vải dệt kim kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân. Do đó, mặc dù lượng sản xuất mỗi ngày đạt từ 20.000 sản phẩm (những ngày đầu tuần) cho tới 50.000 sản phẩm/ngày (những ngày cuối tuần) nhưng vẫn chưa đủ để cung ứng cho thị trường nội địa.
Dự kiến trong tuần tới (từ 23-29/3/2020), sản lượng loại khẩu trang vải phòng dịch mới của Dệt Kim Đông Xuân sẽ đạt 60.000 sản phẩm/ngày và tiến tới sẽ đạt 120.000 sản phẩm/ngày vào cuối tuần. Song song với đó, sản phẩm khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn (2 lớp – với giá 7.000đ/chiếc) vẫn được Dệt Kim Đông Xuân duy trì sản xuất với số lượng 300.000 chiếc/ngày. Các đơn vị khác thuộc Vinatex như May 10, May Việt Tiến, Dệt May Hòa Thọ, Hanosimex, Nhà Bè, Hưng Yên, Dệt May Huế… cũng đạt sản lượng từ 10.000 - 150.000 chiếc khẩu trang/ngày.
Như vậy, tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng được các đơn vị thành viên Vinatex sản xuất từ đầu tháng 2/2020 cho tới nay đã đạt hơn 38 triệu chiếc, trong đó khẩu trang từ vải dệt thoi đã cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm (Tổng CTCP May Việt Tiến là 2 triệu chiếc, CTCP Dệt lụa Nam Định là 3 triệu chiếc).
Trong các tháng tiếp theo, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch của Vinatex dự kiến sẽ đạt từ 28-30 triệu chiếc/tháng. Đồng thời, nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, toàn hệ thống của Tập đoàn sẽ sắp xếp tổ chức sản xuất để có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng.
Về sản lượng vải, với hệ thống 5 nhà máy sản xuất vải (Dệt Kim Đông Xuân, Dệt Kim Hanosimex, Dệt Lụa Nam Định, Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ, Dệt Kim Đông Phương), Tập đoàn đã chỉ đạo để hệ thống này sẵn sàng cung ứng cho các nhà máy may sản lượng vải tương ứng tối đa lên tới 2 triệu chiếc khẩu trang một ngày. Cụ thể, từ tháng 2 tới nay, sản lượng vải dệt kim đạt 570 tấn vải (dự kiến trong thời gian tới, năng suất sản xuất vải có thể nâng lên 30 tấn vải dệt kim kháng khuẩn/ngày, tương đương 1,5 triệu khẩu trang/ngày, tương ứng 40 triệu khẩu trang/tháng); sản lượng vải dệt thoi kháng nước, có xử lý nano bạc hiện tại đạt 700 ngàn/mét tháng (tương đương 20 triệu khẩu trang), và có thể nâng lên tối đa công suất là 1,2 - 1,3 triệu mét/tháng, tương đương 40 triệu khẩu trang. Đối với vải không dệt, năng lực cung ứng của TCT May Đồng Nai là 10 tấn/ngày, tương đương 1 triệu khẩu trang.
Về bán lẻ, Vinatex và Dệt kim Đông Xuân đã cung ứng đến tay người tiêu dùng hơn 2 triệu khẩu trang. Số lượng khẩu trang mà Vinatex sản xuất để bán qua hệ thống Co-opmart, BigC, Vinmart là 3,7 triệu khẩu trang.
Vinatex đảm bảo cung ứng ổn định trên hệ thống 5 cửa hàng bán lẻ trực thuộc Tập đoàn, với số lượng từ 150.000 – 200.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày do đơn vị Dệt Kim Đông Xuân sản xuất. Đặc biệt trong tuần tới, khẩu trang sẽ được bán đến tay người tiêu dùng thông qua Văn phòng đại diện của Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại Tp.HCM với địa chỉ Số 10, Nguyễn Huệ, quận 1. Khách hàng có thể yên tâm mua mỗi lần 5 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, không nên tích trữ nhiều, dành cơ hội mua khẩu trang cho nhiều người hơn.
Ngoài Dệt kim Đông Xuân, các đơn vị thành viên khác trong Tập đoàn cũng đã cho ra mắt các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm: Hanosimex, Đức Giang, May Chiến Thắng, Dệt lụa Nam Định, May Nhà Bè, Việt Tiến, Dệt May Hoà Thọ, Dệt May Huế, Việt Thắng, Dệt kim Đông Phương…