Tính đến năm 2018, thị trường M&A Việt Nam đã được 10 năm. Trong thời gian đó, thị trường ghi nhận trên 4.000 thương vụ với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2018.
Quy mô thị trường năm 2017 cũng đã tăng gấp 10 lần so với năm 2009. Năm 2017 cũng là năm tổng giá trị cao nhất trong một thập kỷ với 10,2 triệu tỷ USD, tăng trưởng 175% so với cùng kỳ trước đó. Điều này có được nhờ vào thành công thương vụ Sabeco được ThaiBev mua lại 51% cổ phần, giá trị lên đến 4,8 tỷ USD
Cũng chính bởi điều này, giá trị M&A năm 2018 được đánh giá là giảm so với năm 2017, dự kiến chỉ đạt 6,5 – 6,9 tỷ USD. Nhưng nếu loại trừ thương vụ Sabeco, thì giá trị năm 2018 tăng 15,3% so với cùng kỳ.
"Nguồn cung của thị trường còn rất dồi dào", ông Phạm Văn Thinh, TGĐ Deloitte Việt Nam nhận định. Do vậy, đại diện Deloitte cho rằng không nên chỉ tập trung vào việc cổ phần hoá DNNN. Cổ phần hoá, theo ông Thinh, chỉ là bước đầu cho M&A chứ không phải là động lực chính cho M&A.
Bên cạnh đó, theo quan sát của ông Thinh, đang có sự trỗi dậy rất mạnh của khối nội trong hoạt động M&A. "Đặc biệt là ở những doanh nghiệp lớn như Vingroup", ông nói.
TGĐ Deloitte nhận định các doanh nghiệp trong nước sẽ là động lực chính để phát triển thị trường M&A, bên cạnh khối truyền thống là các nhà đầu tư ngoại.
"Doanh nghiệp Việt đã trở thành người mua chủ động", ông Đặng Xuân Minh, TGĐ công ty AVM Việt Nam nhận xét. Tương tự ông Thinh, ông Minh nói rằng nếu như trước đây, hoạt động M&A chỉ có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài thì nay, nhiều nhà đầu tư Việt tự mình dấn thân.
Theo ông, không chỉ mua chủ động, nhiều doanh nghiệp Việt đã có chiến lược dùng M&A để tăng trưởng đột phá. Những cái tên có thể được kể đến như Kido, Vingroup, Massan, FPT, Viettel, Pan Group, Vinamilk...
"Các công ty này trung bình thực hiện từ 4 – 5 thương vụ cả mua và bán. Họ sử dụng khéo léo M&A để trở thành công ty tầm cao hơn so với các công ty khác", TGĐ AVM cho biết.
Báo cáo của Diễn đàn M&A Việt Nam ngày 24/7 chỉ ra rằng khối nội đang chủ động hơn, bên cạnh khối ngoại giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Trong năm 2017, giá trị thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm 91,8%, trong khi nhà đầu tư trong nước mua chỉ 8,2%.
Tỷ trọng này đã có sự thay đổi trong 6 tháng đầu năm 2018 khi tỷ trọng các thương vụ do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đã đạt 17,72%. Dù vậy, giá trị của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm đến 82,28%.