Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lớn FDI, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn và đã tham gia đầu tư vào những ngành như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn thống kê, hiện có 9/29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hoá trên 1 tỷ USD thuộc khu vực tư nhân (Vingroup, FLC, Masan, Vietjet, Trường Hải, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát,...).
Còn theo xếp hạng của Báo cáo Việt Nam (VNR), năm 2019, trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 21 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, con số này năm 2016 là 11 doanh nghiệp và năm 2017 là 16 doanh nghiệp, năm 2018 là 17 doanh nghiệp. Trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Tập đoàn Vingroup).
Tập đoàn Vingroup là cái tên thu hút giới doanh nghiệp, chuyên gia và các bộ ngành chú ý tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nêu lý do Tập đoàn muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất ôtô là để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này ở Việt Nam.
Sản xuất ôtô là ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tàu dẫn dắt các ngành công nghiệp khác. Theo thống kê của ngành sản xuất ôtô thế giới, cứ 1 người làm việc trong ngành công nghiệp ôtô sẽ tạo ra 7-10 người làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ.
Tập đoàn Vingroup, bên cạnh việc sản xuất ôtô với động cơ đốt trong nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty con của Vingroup là VinFast đang đẩy mạnh nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra thị trường sản phẩm ôtô điện nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững song song với phát triển kinh tế.
"Chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến đưa ra thị trường 4 mẫu xe máy điện mới, 2 mẫu xe ôtô điện trong năm 2020. Đồng thời, chúng tôi sẽ xuất khẩu ôtô điện sang Mỹ từ năm 2021", ông Nguyễn Việt Quang tiết lộ kế hoạch của Vingroup.
Mặc dù vậy, lãnh đạo tập đoàn này cho rằng hướng sản xuất ôtô điện và xe máy điện của Vingroup sẽ phải đối mặt với khó khăn. Thời gian qua, Vingroup đã dần rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp để giải phóng nguồn lực cho hệ thống, tập trung cho mảng công nghệ và công nghiệp.
Do đó, Vingroup đề xuất Chính phủ hỗ trợ đặc biệt về thuế và phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi trong lĩnh vực có nhiều cạnh tranh như ôtô.
Theo ông Quang, điều quan trọng là Chính phủ phải xây dựng cơ chế đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái thân thiện với phương tiện chạy điện trong tương lai.
"Ngay cả Tesla cũng chỉ mới có lãi trong thời gian gần đây, nhưng cần thiết chúng ta vẫn phải làm ngay. Trước hết, phải làm sao để Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia sở hữu công nghiệp sản xuất ôtô", vị này nhấn mạnh.