Theo báo cáo của Vingroup, tập đoàn này đã phân bổ 723,1 tỷ đồng cho dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT. Như vậy, luỹ kế từ 23/8/2018 đến 31/12/2021, số vốn phân bổ cho dự án này là 7.180 tỷ đồng.
Dự án có tổng vốn đầu tư 9.459 tỷ đồng, được khởi công tháng 4/2018 bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Tổng chiều dài dự án khoảng 5,1 km. Các hạng mục gồm cầu chính (bề mặt 19 m), cầu dẫn (bề mặt 7 m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Dự kiến, dự án này được hoàn thành toàn bộ vào năm 2023.
Cùng với đó, đại diện Vingroup cho biết tập đoàn sẽ tham gia xây dựng tuyến đường Vành đai 4, nhưng chưa có kế hoạch làm các dự án bất động sản quanh vành đai bởi muốn dồn nguồn lực tài chính vào các dự án lớn khác.
Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 113 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 87.000 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2022 đến 2029. Theo dự kiến, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 5. Tại dự án này, Vingroup là đơn vị lập hồ sơ đề xuất đầu tư, ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ quan tâm như T&T, Him Lam, DIC Corp, Phương Thành, Geleximco…