Triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo) vào ngày 9-10/1/2021 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Đây là Triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Triển lãm khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiên phong, trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, triển lãm cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới.
Trên địa điểm sẽ xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, VIIE 2021 có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như Viettel, Vingroup, MoMo, CMC; các doanh nghiệp lớn trong nước như Sunshine, Hanaka; các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn như Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens; cộng đồng startups và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, Triển lãm còn có sự tham gia gian hàng của các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ; khối hợp tác xã và đặc biệt là các gian hàng dành cho cộng đồng người yếu thế.
Với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư và nhiều doanh nghiệp lớn, Triển lãm sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giữa startups, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn; kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối, hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong khuôn khổ Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng.
Nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ ấn tượng sẽ được giới thiệu tại Triển lãm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như Nhà máy thông minh (tay máy trợ lực hỗ trợ - tỉ trọng nâng 300kg; Robot vận chuyển hàng trong xưởng; Turbine điện gió ngoài khơi); Đô thị thông minh (giải pháp giám sát và phát cảnh báo sớm cho tài xế ứng dụng công nghệ AI nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; giải pháp tòa nhà thông minh; giải pháp công nghệ thông minh cho trường học; máy bay không người lái hỗ trợ tìm kiếm cứu trợ cứu nạn; camera AI; Công nghệ số (chip 5G sản xuất tại Việt Nam; giải pháp ngân hàng số, thanh toán số; trung tâm trải nghiệm số); Công nghệ môi trường và nông nghiệp (giải pháp máy bay nông nghiệp) và một số giải pháp, sản phẩm sáng tạo khác phục vụ cộng đồng như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường; hệ thống thay thế chức năng giao tiếp cho người bị tổn thương chức năng vận động, robot phòng chống Covid ...