HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố thông tin mua lại 2 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, thông qua phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên hệ thống giao dịch HoSE hoặc theo quy định hiện hành.
Hành động này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VHC trên thị trường liên tục giảm điểm, đối mặt với việc "chốt lời" của giới đầu tư. Ghi nhận, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust vừa bán ra 29.310 cổ phiếu VHC, giảm tỷ lệ sỡ hữu từ 0,3247% về 0,2929%. Trước đó, một thành viên khác cùng nhóm đầu tư Hàn Quốc trên, KB Vietnam Focus Balanced Fund cũng bán ra 132.000 cổ phiếu VHC, giảm tỷ lệ sở hữu về 1,805%. Riêng bà Phan Thị Kim Hoà – Thành viên Ban Kiểm soát – sau nhiều lần đăng ký, đã chính thức bán hết 6.830 cổ phần nắm giữ trong khoảng thời gian 14/8-12/9/2019.
Là doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu trong mảng thuỷ sản với lợi thế về thị trường, Vĩnh Hoàn những năm qua liên tục tăng trưởng lợi nhuận, song song đà tăng thị giá cổ phiếu trên thị trường. Đặc biệt, năm 2018 Công ty có phần bứt phá trong bối cảnh xuất khẩu nói chung tăng trưởng vượt bậc.
Nhưng, bước sang năm 2019, giới quan sát tỏ ra khá quan ngại về bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp, trước rủi ro về giá cá tra nguyên liệu kéo theo giá xuất (đặc biệt tại thị trường Mỹ), sự cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế (cá rô phi, cá tuyết), dự phòng hàng tồn, tình hình phát triển con giống và vùng nuôi vốn đang trong tình trạng thiếu hụt…
Đặc biệt, với tỷ lệ tự chủ vùng nguyên liệu khoảng 65% nguồn cá tra đầu vào, Vĩnh Hoàn đang chịu áp lực khá lớn từ biến động giá cá tra nguyên liệu từ thị trường. Lên xuống thất thường do biến đổi thời tiết cũng như thiếu hụt cá giống đạt chất lượng, giá cá tra nguyên liệu đang tác động mạnh lên tình hình kinh doanh của Công ty. Ghi nhận trên BCTC soát xét bán niên 2019, hàng tồn Vĩnh Hoàn tiếp tục tăng hơn 37% lên 2.062 tỷ đồng, Công ty cũng trích lập dự phòng từ 116 tỷ lên 157 tỷ đồng.
Kết quả, thị giá VHC kể từ đầu năm 2019 đến nay đã giảm hơn 27%, hiện giao dịch tại mức 79.700 đồng/cp cho thấy sự e ngại của giới đầu tư.
Giao dịch cổ phiếu VHC 3 năm qua.
Nửa đầu năm giá xuất khẩu giảm chậm hơn giá nguyên liệu
Nắm được quy luật cuộc chơi - tự chủ về con giống sẽ giải quyết yêu cầu khắt khe về kỹ thuật trên thị trường, hạn chế được rủi ro biến động giá cá giống trên thị trường – Vĩnh Hoàn đang tích cực gia tăng diện tích nuôi trồng. Đơn cử việc bán vốn tại công ty con nhằm thu hồi dòng tiền phục vụ mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty cũng đã khởi động dự án nuôi giống cá tra công nghệ cao trên diện tích có sẵn 48ha tại An Giang, dự kiến mở rộng lên 200ha trong giai đoạn 2. Tháng 8, VHC cũng tăng cổ phần tại Công ty TNHH Sản xuất Giống Cá Tra Vĩnh Hoàn từ 45% lên 96%; ban lãnh đạo cho biết việc hợp tác giữa Công ty và các đối tác khác trong dự án này, bao gồm một công ty tôm giống và nông dân cá tra giống, sẽ được duy trì dù cơ cấu cổ đông có sự thay đổi như trên.
Mặc dù vậy, dự án vùng nuôi Tân Hưng của Công ty phải trì hoãn sang năm 2020; Vĩnh Hoàn cho biết cá giống của dự án này đã được hoàn tất, song vùng nuôi cá thịt đang chậm hơn so với tiến độ do một số vấn đề về xử lý nước.
Kết thúc nửa đầu năm 2019, lợi nhuận sau kiểm toán tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ lợi nhuận thoái vốn bất thường. Trong đó, Công ty ghi nhận 104 tỷ đồng thu nhập tài chính nhờ thoái 35% cổ phần còn lại tại công ty liên kết Vạn Đức Tiền Giang trong tháng 6.
Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, ban lãnh đạo cho biết trong 6 tháng đầu năm giá bán đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá xuất khẩu cao trong quý 1 và trong quý 2, giá xuất khẩu giảm chậm hơn so với giá cá nguyên liệu.
Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm do các yếu tố tạm thời trong khi nhu cầu cá tra của người tiêu dùng cuối vẫn lành mạnh. Vĩnh Hoàn cho rằng nguyên nhân là do tâm lý chờ đợi của khách hàng Mỹ trước ngày công bố kết quả kỳ soát xét thuế chống bán phá giá vào cuối tháng 4/2019, bên cạnh việc giảm tồn kho của các khách hàng này.
Giá xuất khẩu sẽ chạm đáy vào quý 3/2019
Theo khảo sát khách hàng của Công ty, nhu cầu tiêu thụ cá tra vẫn cao trong năm 2019. Các đơn hàng từ Trung Quốc cũng chững lại do Tết Âm lịch đến sớm trong quý 1/2019, khiến một phần đơn hàng được chuyển qua quý 4/2018; hiện các đơn hàng từ thị trường này đã phục hồi trong quý 2/2019.
Dự báo cho nửa năm còn lại, Vĩnh Hoàn kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi, trong khi xuất khẩu sang EU và Trung Quốc vẫn duy trì. Công ty dự kiến tính chung cả năm 2019, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 59% doanh thu cá tra) sẽ giảm một chữ số trong khi xuất khẩu sang EU sẽ tăng mạnh 15% so với cùng kỳ năm ngoái (chiếm 14% doanh thu từ cá tra) và sang Trung Quốc tăng 30-40% (chiếm 16% doanh thu từ cá tra).
Chi tiết, ban lãnh đạo cho biết nhu cầu cá tra của EU bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2018, Chứng khoán Bản Việt (VCSCS) cho rằng điều này do hình ảnh cá tra đã cải thiện và việc thiếu cá thịt trắng ở thị trường này năm 2019.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là thị trường chính thúc đẩy tăng trưởng ngành cá tra Việt Nam, khi "Giới trẻ Trung Quốc hiện ưa chuộng cá tra không xương thay vì các loài cá nhiều xương truyền thống của nước này như cá chép và rô phi". Triển vọng khả quan tại thị trường Trung Quốc một phần do nước này có thể thiếu thịt heo do dịch tả heo Châu Phi. Tác động dự kiến sẽ rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm, khi tiêu thụ tại Trung Quốc tăng cao.
Đặc biệt, do giá cá nguyên liệu đã phục hồi trong tháng 8/2019, Công ty kỳ vọng giá bán sẽ không giảm tiếp trong các tháng còn lại của năm. Với nhu cầu thường đạt đỉnh vào cuối quý 3-4, Công ty cũng kỳ vọng vào việc điều chỉnh tăng nhẹ giá bán vào cuối năm 2019.