Dịch virus Covid-19 kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành thuỷ sản nói riêng liên quan đến ảnh hưởng của nhu cầu cá tra, các đối thủ cạnh tranh mới hưởng mức thuế chống bán phá giá thuận lợi từ Mỹ.
Năm 2019, kim ngạch cá tra xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, giảm gần 12% so với năm ngoái. Đáng chú ý, trong lúc thị trường Mỹ giảm gần 50% giá trị, EU giảm nhẹ gần 4% thì thị trường Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tăng hơn 25% lên đạt giá trị 662,5 triệu USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đo, các chuyên gia cho rằng thị trường Trung Quốc – Hồng Kong sẽ là nhân tố chính cho tăng trưởng toàn ngành cá tra.
Vĩnh Hoàn: Kế hoạch lợi nhuận có thể giảm 10% so với ban đầu
Tuy nhiên, với dịch nCoV bùng phát trong tháng 1/2020 và chưa có dấu hiệu kết thúc, tác động lên ngành cá tra và các doanh nghiệp cá tra sẽ tiêu cực trong ngắn hạn. Do nhu cầu giảm mạnh trước việc hạn chế vui chơi, ăn uống bên ngoài cùng với động thái siết chặt thông quan hàng hoá sẽ ảnh hưởng làm xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sụt giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị.
Được biết, các nhà hàng tại Trung Quốc là các khách hàng chính của cá tra Việt Nam. Với việc nhiều nhà hàng tại Trung Quốc – bao gồm các chuỗi nhà hàng lớn như Haidilao – tạm thời đóng cửa, giới phân tích cho rằng xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giảm khoảng 60% trong quý 1/2020, sau đó dần phục hồi trong quý 2/2020.
Là một doanh nghiệp cá tra lớn tại Việt Nam với tổng kim ngạch sang Trung Quốc khá lớn, năm 2019 chiếm khoảng 15% giá trị, Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết lợi nhuận kế hoạch mới có thể giảm 10% so với ban đầu vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, đơn hàng từ phía Trung Quốc giảm mạnh trong quý đầu năm; ứng phó VHC sẽ tăng đơn hàng sang phía EU để bù đắp sụt giảm của thị trường Trung Quốc.
VCSC: Vĩnh Hoàn vẫn có lợi thế từ thị trường Mỹ với tỷ trọng xuất đến 48% (năm 2019)
Theo quan điểm Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự phóng sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam/VHC sang Trung Quốc sẽ lần lượt giảm 17%/5% trong năm 2020 (so với mức tăng trưởng trên 19%/50% trong năm 2019), sau đó phục hồi 20%/35% trong năm 2021 và 17%/30% trong năm 2022.
VCSC ước tính Trung Quốc chiếm 33% giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019, do đó, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm có thể dẫn đến tình trạng dư cung cá tra tạm thời. Theo đó, dự phóng ASP của VHC sẽ giảm 10% so với cùng kỳ còn 2,6 USD/kg trong quý 1/2020, sau đó cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2020 đạt 3,4 USD/kg trong quý 4/2020.
Tuy nhiên, VHC có thể chịu ít tác động hơn từ dịch CoV so với các đối thủ cạnh tranh nhờ phần lớn doanh thu đến từ thị trường Mỹ (khoảng 48% giá trị xuất khẩu của VHC trong năm 2019), nơi VHC có vị thế độc quyền đôi.
Ngoài ra, xuất khẩu cá thịt trắng từ Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh của cá tra – sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn từ phía cung của dịch CoV (ví dụ, thiếu hụt lực lượng lao động và lưu chuyển hàng hóa chậm).
Ngoài ra, triển vọng mảng collagen và gelatin (C&G) duy trì mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi việc gia tăng công suất 75%, vốn có kế hoạch đi vào hoạt động giữa năm 2020. VCSC cho rằng mảng C&G của VHC sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch CoV khi (1) khách hàng của công ty chủ yếu là các công ty thực phẩm đóng gói và dược phẩm và (2) sản lượng xuất khẩu mảng C&G của VHC sang Trung Quốc không đáng kể.
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây