Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố bản tin IR tháng 2/2022, ghi nhận tổng doanh thu 1.075 tỷ đồng (bao gồm Sa Giang), tăng 137% so với cùng kỳ và tăng 30% so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cá tra phile tăng 160%, đạt 785 tỷ đồng và chiếm hơn nửa tổng doanh thu tháng. Tăng mạnh nhất vẫn là tạp phẩm (miscellanous) với 852% lên 118 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm phụ tăng 29%, chăm sóc sức khỏe tăng 18%, bánh phồng tôm tăng 87% trong khi sản phẩm giá trị gia tăng giảm 38%.
Về thị trường xuất khẩu, doanh số xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh 221% lên 627 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 73%, châu Âu tăng 19%. Trong khi đó, thị trường nội địa (đa phần qua công ty con Sa Giang) đạt 192 tỷ đồng, tăng 147%.
So với tháng trước, thị trường Mỹ tăng 89% và Trung Quốc tăng 170%, ngược lại châu Âu giảm 44% và nội địa giảm 5%.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản tiếp tục tăng trở lại do dịch vụ ăn uống phục hồi trong khi doanh số bán lẻ vẫn đạt mức cao mới. Trong khi nhu cầu của Mỹ tiếp tục tăng, thị trường Trung Quốc và EU có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau một năm giảm.
Tại Việt Nam, việc ngăn chặn Covid-19 năm trước đồng nghĩa với việc tăng trưởng ngành chậm lại và khó khăn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, có nghĩa là nông dân ngừng việc thả nuôi mới cho đến quý 4/2021, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong nửa đầu 2022. Giới phân tích cho rằng giá nguyên liệu cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 sau đó giảm dần vào nửa cuối năm 2022 sau khi nguồn cung được đáp ứng. Giá nguyên liệu cao tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đàm phán với khách hàng của họ ở mức giá bán cao. Do đó, các nhà xuất khẩu có thể tự cung cấp nguyên liệu sẽ là người hưởng lợi lớn nhất nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng bao gồm Vĩnh Hoàn.