Ngày 23/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản" với sự tham dự của lãnh đạo Bộ ngoại giao Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và trên 100 doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Sumitomo – nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc cho biết, trước khi đặt dự án tại địa phương, tập đoàn đã tiến hành khảo sát 30 điểm tại các tỉnh phía Bắc và 20 điểm tại các tỉnh, thành phía Nam, sau đó mới chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Đại diện Sumitomo cũng đưa ra 3 lý do lựa chọn Vĩnh Phúc, bao gồm: Thứ nhất, Vĩnh Phúc là địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều cây xanh, làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản; Thứ hai, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam; Thứ ba, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị ‘Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam-Nhật Bản’ năm 2022. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Vĩnh Phúc hấp dẫn nhà đầu tư bởi là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Đó là những yếu tố rất quan trọng, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện Vĩnh Phúc có gần 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Có 64% doanh nghiệp đã từng và đang liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vĩnh Phúc cũng được đánh giá là một trong số ít các địa phương trên cả nước xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực ô tô, xe máy và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đa dạng. Theo đó, đây là những cơ hội rất quan trọng để địa phương thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn từ Nhật Bản nói riêng trong thời gian tới.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, tỉnh nhất quán với quan điểm “coi nhà đầu tư là người bạn đồng hành của tỉnh”, từ đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động. Để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư từ Nhật Bản nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 19 khu công nghiệp, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10- 20 năm tới.