Một trong số các dự án lớn của Vinhomes là Vinhomes Riverside (Ảnh: I.T)
Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSX) mới đây thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty CP Vinhomes - đơn vị phát triển biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp tại những thành phố lớn của Tập đoàn Vingroup (VIC).
Vinhomes hiện sở hữu vốn điều lệ 26.796 tỷ đồng, tương đương gần 2,7 tỷ cổ phiếu sẽ niêm yết trên HOSE.
Xác lập “đế chế” Phạm Nhật Vượng
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) trong năm 2017 đã tác động đáng kể đến tài sản của những người giàu nhất Việt Nam.
Nhờ sự gia tăng quy mô tài sản do giá cổ phiếu tăng lên, mua thêm cổ phiếu cũng như có thêm nhiều doanh nhân mới đưa doanh nghiệp lên sàn, tổng tài sản 100 người giàu nhất TTCKVN tính tới cuối năm 2017 đã lên đến 390.000 tỷ đồng, tương đương 17,2 tỷ USD, tăng 150% so với mức 155.000 tỷ đồng của năm 2016.
Khối tài sản này tập trung chủ yếu vào những người đứng đầu trong danh sách. Trong đó, nhóm 20 người giàu nhất TTCKVN nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 300.000 tỷ đồng. Và người dẫn đầu là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCKVN.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCKVN tính tới cuối năm 2017
Với việc Vinhomes chuẩn bị niêm yết trên HOSE, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ sở hữu 4 doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam. Bởi trước đó Tập đoàn VinGroup – Công ty CP (VIC), Công ty CP Vincom Retail (VRE) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) đã niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn hóa khổng lồ.
Tính từ đầu năm 2018 tới nay, giá trị giao dịch của VIC đã tăng 52.800 đồng/cổ phiếu (67.52%). Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.4, giá trị giao dịch của VIC đạt 131.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 2,6 tỷ cổ phiếu niêm yết trên HOSE, vốn hóa VIC đạt 345.540 tỷ đồng.
Công ty CP Vincom Retailvận hành hệ thống hàng chục trung tâm thương mại (TTTM) với 4 loại gồm Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Plaza và Vincom+
Với VRE của Công ty CP Vincom Retail, ngay từ thời điểm nộp hồ sơ niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM (HSX), cổ phiếu này đã được các nhà đầu tư đánh giá là “bom tấn” của năm 2017 nhờ vai trò quản lý và vận hành hệ thống hàng chục trung tâm thương mại (TTTM) tại 21 tỉnh thành, từ Tuyên Quang, Yên Bái tới TP.HCM, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,11 triệu m2 và 4 loại gồm Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Plaza và Vincom+, chiếm khoảng 60% thị phần mặt bằng kênh bán lẻ hiện đại.
Không phụ sự kì vọng của các nhà đầu tư, ngay trong phiên chào sàn ngày 6.11.2017, VRE đã tăng kịch trần (20%) lên 40,550 đồng/cổ phiếu với tổng khối lượng đặt mua lên tới 13,5 triệu cổ phiếu, trong khi lượng dư bán bằng 0. Không tính các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngân hàng, mức vốn hóa của Vincom Retail lúc đó được tính toán là đứng thứ 5 trên sàn chứng khoán, xếp sau Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Vingroup (VIC) và Petrolimex (PLX).
Còn ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.4, giá trị giao dịch của VRE đạt 49.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 93.533 tỷ đồng.
Thời điểm lên sàn, vốn hóa của Vincom Retail lúc đó được tính toán là đứng thứ 5 trên sàn chứng khoán nếu không tính các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngân hàng
Với SDI Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.4, SDI giao dịch ở mức giá 96.700 đồng/cổ phiếu, vốn hóa SDI đạt 11.604 tỷ đồng.
Như vậy, vốn hóa của ba mã chứng khoán nêu trên hiện đã hơn 450.000 tỷ đồng, tương đương 13% tổng vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom.
Với gần 2,7 tỷ cổ phiếu chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE, Vinhomes sẽ giúp tổng vốn hóa của các cổ phiếu họ nhà “Vin” gia tăng đáng kể.
Những mảnh ghép trong hệ sinh thái Vingroup
Sự kiện tập đoàn Vingroup chính thức khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào ngày 2.9.2017 với quy mô tổ hợp trị giá 3,5 tỷ USD đã xác lập ô tô trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của tập đoàn Vingroup.
Theo đó, sự ra đời của VinFast nhằm đáp ứng kỳ vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, là mong muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam như lời ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Forbes châu Á một ngày cuối tháng 11.2017.
Tới ngày 2.10.2017, VinFast đã công bố 20 mẫu thiết kế cho cả Sedan và SUV dựa trên hợp tác với 4 hãng thiết kế xe danh tiếng Italy là Pininfarina, Zagato, Torino và ItalDesign. Từ 20 mẫu này, VinFast sẽ lựa chọn ra 2 mẫu cuối cùng cho Sedan và SUV để đi vào sản xuất.
VinFast được coi là mảnh ghép thứ 7 trong hệ sinh thái Vingroup (Ảnh minh họa)
Không lâu sau sự kiện này, “bom tấn” Vincom Retail đã chính thức lên sàn với 1,9 tỷ cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSEvới giá tham chiếu là 33.800 đồng/cổ phiếu giúp Vingroup thu về khoản tiền 708 triệu USD.
Trước đó, Vingroup đã tham gia vào 6 lĩnh vực gồm bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec) và nông nghiệp (Vineco).
Tháng 2.2018, Tạp chí danh tiếng Forbes đã có một thay đổi đáng chú ý về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cụ thể, việc ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm giàu từ bất động sản (real estate) được thay đổi thành giàu từ nhiều ngành nghề (diversified).
Những kỳ vọng với Vinhomes
Báo cáo tài chính của Vingroup cho biết, Vinhomes đang điều hành 10 dự án với tổng gần 18.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại. Các dự án lớn nhất của Vinhomes bao gồm Vinhomes Riverside, Royal City, Times City và đại dự án Vinhomes Central Park.
Để chuẩn bị cho việc niêm yết Vinhomes, ngày 14.7.2017, Công ty CP Phát triển đô thị Nam Hà Nội (tiền thân của Vinhomes) đã hủy đăng ký giao dịch mã cổ phiếu NHN trên sàn UPCoM sau khi không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng (số cổ đông dưới 100 người).
Sau đó, Nam Hà Nội bất ngờ tăng vốn rất mạnh từ 2.000 tỷ lên 28.365 tỷ đồng vào đầu tháng 2.2018 thông qua việc nhận sáp nhập 2 công ty thành viên khác của Tập đoàn Vingroup là CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát và CTCP Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes (Vinhomes Management) để hợp thành Công ty cổ phần Vinhomes. Tân Liên Phát là chủ đầu tư trực tiếp của dự án Vinhomes Central Park tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời gián tiếp sở hữu một số dự án khác.
Tháng 2.2018, Bloomberg từng đưa tin Vingroup đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu Vinhomes và cho rằng nhiều khả năng ông lớn bất động sản này sẽ giúp Vingroup huy động một khoản tiền lớn, có thể vượt qua cả con số kỷ lục 708 triệu USD của Vincom Retail (VRE).