Đại dịch đe dọa kinh tế Trung Quốc
Hiện tại, tác động của dịch cúm Vũ Hán với kinh tế vẫn chưa thể xác định. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm 2 điểm phần trăm trong quý này vì sự bùng phát của dịch bệnh khiến phần lớn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rơi vào bế tắc. Sự sụt giảm này sẽ tương đương với 62 tỷ USD bị kéo khỏi tăng trưởng của Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể không đủ khả năng chống lại sự sụt giảm này. Năm ngoái, tăng trưởng của Trung Quốc đã tụt xuống mức yếu nhất 3 thập kỷ trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nợ gia tăng cũng như cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hiện tại, virus đã làm 362 người chết trên khắp thế giới trong đó có 361 trường hợp ở Trung Quốc đại lục. Với hơn 17.200 trường hợp nhiễm bệnh, cúm Vũ Hán đã vượt qua cả SARS về quy mô.
Hiện tại, Bắc Kinh đang dành nhiều nguồn lực để ngăn chặn dịch bệnh tàn phá nền kinh tế nước này. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã được giao nhiệm vụ dẫn đầu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, động thái cho thấy ngăn chặn virus đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.
Chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc đã phân bổ 12,6 tỷ USD cho điều trị y tế và thiết bị phòng dịch. Các ngân hàng lớn ở Trung Quốc đều tiến hành cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân tại khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh. Ngân hàng Trung Quốc thông báo về việc cho phép người dân ở Vũ Hán và phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc được hoãn trả các khoản vay trong nhiều tháng nếu nguồn thu của họ bị gián đoạn.
Trước phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ đảm bảo có đủ thanh khoản khi thị trường mở cửa trở lại ngày 3/2. Tuy nhiên, điều này không đủ giúp chứng khoán Trung Quốc tránh khỏi cú sụt giảm mạnh bởi những nỗi lo dịch cúm.
Chuyên gia kinh tế Zhang Ming, người làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh: "Chính phủ có lẽ sẽ phải mạnh tay hơn nữa trong những tháng tới nhằm ngăn chặn nguy cơ suy giảm với nền kinh tế". Theo ông Zhang, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm từ 1 tới 5 điểm phần trăm trong quý này.
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho lĩnh vưc y tế công. Các địa phương có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để tăng việc làm. Ngân hàng trung ương cũng có thể lựa chọn cắt giảm lãi suất để ổn định kinh tế. Với các biện pháp này, tăng trưởng có thể phục hồi trong quý sau đó và đẩy tăng trưởng GDP cả năm lên 5,7%. Dù thấp hơn mức 6,1% trong năm ngoái nhưng đây là con số được nhiều nhà phân tích dự đoán.
Việc làm là bài toán hóc búa
Tuy nhiên, không ít người chia sẻ những quan điểm bi quan hơn. Các nhà phân tích tại Nomura tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm 2 điểm phần trăm trở lên trong quý đầu tiên. Việc nhiều nhà máy bị đóng cửa trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể tác động một phần đến ngành sản xuất của Trung Quốc và làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ tác động của dịch cúm với kinh tế Trung Quốc. Tesla buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy ở Thượng Hải hay Apple mất các nhà cung ứng từ Vũ Hán là điều đã xảy ra. Tuy nhiên, tác động dài hạn đối với 2 công ty này chưa hề rõ ràng.
Ngược lại, một lĩnh vực chịu tổn thất ngay lập tức ở Trung Quốc là du lịch. Ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD này đã bị suy giảm khi nhiều thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa vì dịch cúm. Các công ty lữ hành, kinh doanh khách sạn và hàng không là những nạn nhân lớn nhất.
Sự lây lan của virus corona làm dấy lên nguy cơ sụt giảm việc làm và đẩy giá tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn, gây ra những tai ương với nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường việc làm vốn đã căng thẳng ở Trung Quốc. Các ngành truyền thống vốn tạo ra nhiều việc làm, chẳng hạn như công nghệ, lại đang bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế. Cúm Vũ Hán có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
290 triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc nằm trong số những người chịu tác động nhiều nhất từ sụt giảm việc làm. Nhiều người trong số họ bỏ nhà cửa ở nông thôn để đến kiếm việc trong các thành phố. Công việc phổ biến nhất của họ là công nhân hay bồi bàn, giao hàng…. Tuy nhiên, nhiều nhà máy và doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn tới hàng triệu công nhân khó tìm việc làm sau Tết.
Tình cảnh trở nên thê thảm hơn với 10 triệu công dân tỉnh Hồ Bắc, nơi là tâm điểm của dịch bệnh. Trở lại làm việc, họ sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ những người sử dụng lao động vì lo lắng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tỷ lệ thất nghiệp sau Tết có thể là nỗi lo lớn của các nhà chức trách Trung Quốc. Kèm theo đó, giá cả tăng cao vì các hoạt động sản xuất đình trệ tiếp tục tạo thêm gánh nặng lên người dân Trung Quốc, vốn chưa kịp phục hồi sau cuộc khủng hoảng thịt lợn do tả lợn châu Phi gây ra trong năm ngoái.
Bên cạnh đó, những thách thức tồn tại từ lâu tiếp tục gây ra trở ngại. Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại 1 phần trong đó Bắc Kinh cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 2 năm tới. Tuy nhiên, nếu virus làm suy yếu sức mua của Trung Quốc, mục tiêu này sẽ rất xa tầm với. Ngoài ra, mức thuế mà Mỹ vẫn đang duy trì với hàng hóa Trung Quốc tiếp tục được coi là một điểm khó với Bắc Kinh.
Ở chiều tích cực, một số nhà phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không leo thang khi Bắc Kinh, vì dịch bệnh, mà không thể thực hiện được cam kết mua hàng của Mỹ. Năm 2020, ông Donald Trump sẽ bước vào cuộc đua tổng thống nhiệm kỳ 2 và việc leo thang căng thẳng thương mại trong tình trạng này sẽ nguy hiểm cho chính vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tham khảo: CNN