Úc chịu thiệt hại từ ngành đánh bắt hải sản, khai thác nông sản...
Sự phụ thuộc đó có thể thấy rõ ở thị trấn ven biển Geraldton, Tây Úc – nơi mà "rồng biển" mang đến thu nhập cho ngư dân địa phương. Longxia – tên của tôm hùm đỏ theo tiếng Quan thoại, thường được sử dụng trong những lễ kỷ niệm lớn ở Trung Quốc vì có hình dáng và màu sắc tương tự như sinh vật trong thần thoại. Việc virus corona lây lan nhanh chóng, khiến Trung Quốc phong toả một loạt thành phố, đã khiến đội tàu đánh bắt hải sản của Geraldton không thể bán được hàng, dù đang ở trong mùa thu hoạch tôm.
Matt Rutter, CEO của của Hợp tác xã Ngư dân Geraldton, ước tính sản lượng đánh bắt tôm hùm bông từ sau dịp Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3 thường đạt khoảng 2 triệu kg, với giá trị thị trường là hơn 120 triệu AUD (79 triệu USD). Tuy nhiên, năm nay mọi thứ lại diễn ra ngược lại. Thuyền trưởng, thuyền viên, tài xế xe tải, nhà đóng gói để xuất khẩu và rất nhiều người khác lại rất rảnh rỗi và khoản tiền thu về cũng giảm đi. Rutter cho hay: "Đây là lần đầu tiên họ ngừng đánh bắt cá."
Ngư dân ở Geraldton.
Trong các nước phát triển, Úc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, với khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu là sang đại lục. Công dân Trung Quốc chiếm khoảng 38% sinh viên nước ngoài và 15% khách du lịch.
Hồi tháng 12, tập đoàn Eve Invesment đã ký hợp đồng đầu tiên với một nhà phân phối Trung Quốc cho sản phẩm mật ong hữu cơ từ thương hiệu Melula Australia. Các container vận chuyển đơn đặt hàng với hơn 21.000 sản phẩm từ cơ sở bên ngoài Ballina – bờ biển phía bắc New South Wales hiện đang bị "mắc kẹt" ở cảng Sydney, chờ cảng Thượng Hải tiếp nhận.
Giám đốc điều hành Bill Fry cho biết: "Trở ngại lớn nhất lúc này là vấn đề logistics. Khi một số cảng đang ưu tiên đưa công dân về nước, thì rất khó khăn để vận chuyển hàng hoá đến đó đúng thời hạn."
Cho đến hiện tại – cũng như nhiều doanh nhân Úc, Fry vẫn tin rằng một quốc gia với 25 triệu người có thể gặt hái được rất nhiều điều bằng cách tiếp cận thị trường 1,4 tỷ người. Theo Fry, về lâu dài, virus corona có thể là yếu tố khiến người Trung Quốc sử dụng những sản phẩm có thể chữa bệnh để tăng cường hệ thống miễn dịch.
... cho đến du lịch, giáo dục và bán lẻ
Ben Woodward cùng 2 anh trai đang điều hành CaPTA Group, sở hữu các công viên cây cảnh và tổ chức các tour tham quan rừng ở khắp Far North Queensland. Ông cho biết tình trạng lây lan của virus corona gây nhiều khó khăn cho công việc kinh doanh của tập đoàn. Woodward nói: "Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, mà còn lan rộng đến các ngành khác như bán lẻ, vận tải hay cửa hàng cafe." Gia đình ông đã phải cắt giảm giờ làm của khoảng 200 nhân viên trong các khu bảo tồn bươm bướm, động vật hoang dã và những lĩnh vực khác.
Khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 15% tổng lượng khách đến Úc trong năm 2018.
Tim Toohey, cựu kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs ở Úc, nhận định các công ty nhỏ "phụ thuộc vào vốn lưu động" ở Úc gặp nhiều rủi ro nhất. Ông thấy khá bất ngờ khi chính phủ không đưa ra biện pháp hỗ trợ. Toohey cho hay: "Việc này không quá tốn kém, và có thể cứu được rất nhiều việc làm, doanh nghiệp – những người có thể gặp nhiều khó khăn để hồi phục sau dịch bệnh."
Tại Sydney, ngôi trường lâu đời nhất của quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng 15.000 sinh viên có hộ chiếu Trung Quốc bị "mắc kẹt" do lệnh hạn chế đi lại được đưa ra vào đúng thời điểm năm học mới bắt đầu. Điều đáng lo ngại là các phụ huynh Trung Quốc sẽ ngừng cho con em theo học ở Úc, chuyển sang Anh hoặc Canada, bởi năm học mới ở đây bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Hội đồng quản trị của Đại học Sydney đang nỗ lực đưa ra những biện pháp linh hoạt và mở, vận hành một trang web và video dạy học dành riêng cho sinh viên Trung Quốc. Họ cũng cho biết các nhân viên Trung Quốc qua trang web này có thể theo kịp bài học và có nhiều cách khác để thay thế nếu lệnh cấm di chuyển kéo dài. Michael Spence, hiệu trưởng Đại học Sydney, cho hay, các sinh viên có thể lựa chọn hoãn kỳ học hoặc quyết định không theo học nữa mà không phải nộp phạt cho đến ngày 31/3/2020.
Trung Quốc chiếm tới 25% tổng thương mại của Úc trong năm 2018.
Ngành bán lẻ của Úc – vốn đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lượng khách hàng giảm dần, cũng ở trong tình trạng "cháy hàng". Các cửa hàng lớn như Harvey Norman và JB Hi-Fi phải đối mặt với khả năng thiếu hụt hàng tồn kho. Người Trung Quốc là nguồn tiêu thụ chính đối với các sản phẩm điện thoại di động, máy tính, TV và với Harvey Norman là đồ nội thất và đệm.
Nếu tình trạng thiếu nguồn cung diễn ra, thì việc đưa ra những chương trình giảm giá, mặt hàng để thu hút khách hàng là rất khó khăn. Quy mô của người tiêu dùng Trung Quốc trong lĩnh vực này là rất lớn, thậm chí không quốc gia nào có thể khiến các nhà bán lẻ cạn kiệt hàng tồn kho. Việc này có thể gây ra tình thế chưa từng xảy ra trong gần 20 năm: lạm phát đối với hàng điện tử và các loại hàng tiêu dùng khác.
Tác động do virus corona lan rộng trong nền kinh tế Úc đã làm dấy lên câu hỏi liệu nước này có quá phụ thuộc vào việc cung cấp và được Trung Quốc cung cấp hay không. Đây là một chủ đề đã được tranh luận rất gắt gao trước đây, nhưng lại chưa bao giờ ở trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.
Trung Quốc chiếm 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu LNG của Úc.
Trước đây, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ (RBA) - Phillip Lowe, đã lập luận rằng Úc sẽ tìm thị trường thay thế khi nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, nhưng giá cả chắc chắn sẽ giảm và do đó nền kinh tế sẽ không tăng trưởng với điều kiện thuận lợi như hiện tại. NHTW hiện đang rất lo ngại về rủi ro tăng trưởng. Hôm 4/2, RBA cho biết: "Sự bùng phát của dịch bệnh đã gây ra rủi ro ngắn hạn đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc và dòng chảy thương mai quốc tế, trong đó có kinh tế Úc."
S&P Global Ratings cũng nhận định Úc phải đối diện với "cú shock đối với tăng trưởng" do virus corona và hạ dự báo tăng trưởng của nước này xuống 0,5 điểm phần trăm.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Úc cũng nỗ lực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu với một loạt hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là ký kết với Indonesia. Hiện tại, chính phủ đang đàm phán với Ấn Độ về hiệp định này. Úc cũng đang trong quá trình thảo luận với EU và Anh, đã ký kết thoả thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Dẫu vậy, việc "thoát khỏi" Trung Quốc lại không hề dễ dàng. Ngay cả khi Úc bắt đầu đa dạng hoá đối tượng tiêu dùng, ví dụ như với các dự án khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG), thì Bắc Kinh vẫn tăng cường mua nhiên liệu của Úc mỗi năm.
Tham khảo Bloomberg