Các nhà kinh tế hiện đã nhận thấy virus cùng với những ảnh hưởng của nó đến thị trường và dự báo rằng nó sẽ làm giảm niềm tin của người tiêu dùng là rủi ro lớn nhất đối với suy thoái kinh tế. "Tôi nghĩ yếu tố thực sự quan trọng để thay đổi tình hình trong đợt bùng phát này là việc thắt chặt các điều kiện tài chính", ông Greg Daco, chuyên gia nhà kinh tế của Mỹ cho Oxford Economics cho hay.
Daco cho biết, sự gia tăng trong các trường hợp lây nhiễm toàn cầu và cảnh báo rằng virus có thể lây lan đến Mỹ khiến giá cổ phiếu giảm, đồng USD tăng giá và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. Theo đó, một số người tiêu dùng đang có ý định nghỉ hưu sẽ nghĩ đến việc cắt giảm chi tiêu. Daco nói: "Bạn thường thận trọng hơn về tương lai của mình."
Trong khi đó, sự hồi phục của thị trường chứng khoán không phải lúc nào cũng giúp chi tiêu của người tiêu dùng tăng trở lại. Người Mỹ thường giảm chi tiêu trong các giai đoạn thị trường biến động. Chẳng hạn, vào tháng 12/2018, khi chỉ số S&P 500 giảm 9,2% và đây là lần giảm hàng tháng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, và chỉ số bán lẻ của Bộ Thương mại đã giảm 3% so với tháng trước. Kết thúc tuần vừa rồi, S&P 500 đã giảm tới 11,5% trong tuần vừa rồi và có tuần tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính.
Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody's Analytics, cho biết, diễn biến tiêu cực kéo dài có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ, khi một số yếu tố khác đến từ việc hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đóng cửa cũng gây tác động, bởi vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. "Người tiêu dùng Mỹ thực sự là 'tường lửa' giữa một nền kinh tế đang tăng trưởng và suy thoái kinh tế", Zandi nói.
Zandi cho biết, thế hệ "baby boomer", những người chiếm một phần lớn trong tỷ lệ người tiêu dùng, thường nhanh chóng cắt giảm chi phí không cần thiết trong thời kỳ thị trường biến động, vì họ lo lắng về việc nghỉ hưu. Ông nói thêm, ngược lại, họ không muốn tăng chi tiêu khi thị trường chứng khoán tăng vì phần lớn các khoản đầu tư của họ vốn đang được quản lý một cách cẩn trọng.
Người tiêu dùng giàu có, những nhà đầu tư lớn trong thị trường chứng khoán và chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng, cũng có thể giảm chi tiêu của họ, ông Danielle DiMartino Booth, nhà sáng lập Quill Intelligence và cựu cố vấn của cựu Chủ tịch Fed Dallas -Richard Fisher chia sẻ. Điều này có thể khiến doanh số bán hàng xa xỉ giảm và chi tiêu cho việc sử dụng khách sạn thấp hơn, ông Booth nói thêm.
Theo chỉ số tâm lý tiêu dùng của Morning Consulting, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm nhẹ vào tuần trước vì lo ngại về sự lây lan của coronavirus và thị trường chứgn khoán bắt đầu lao dốc. Triển vọng của người tiêu dùng vẫn lạc quan hơn so với mùa thu năm ngoái, khi lo ngại về cuộc chiến thương mại đang gia tăng, nhưng báo cáo cho thấy người tiêu dùng Mỹ lo lắng rằng virus có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương.
Daco cho biết, một yếu tố tác động mạnh mẽ hơn vào chi tiêu và nền kinh tế Mỹ sẽ xuất hiện nếu có các trường hợp nhiễm coronavirus tại các thành phố lớn như New York, Washington, D.C. hoặc San Francisco. Điều đó có thể khiến các sự kiện lớn phải huỷ bỏ, khiến nhiều người lựa chọn ở nhà, theo đó lưu lượng khách đến sân bay sẽ sụt giảm.
Theo Diane Swonk, chuyên gia tài chính của Grant Thornton, nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus có thể khiến nền kinh tế bị "xáo trộn". "Đây là một cú sốc chưa từng có," Swonk nói. "Không giống như thiên tai, sẽ không dễ dàng để tái xây dựng. Có một số thứ sẽ vĩnh viễn biến mất và sẽ rất khó sử dụng các công cụ tài chính và tiền tệ để can thiệp."
Tham khảo CNA