Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam mới đây cho hay hiện Việt Nam mới chỉ miễn visa (thị thực) cho 24 nước . Trong khi đó Thái Lan đã miễn visa cho 57 nước, Indonesia miễn cho 168 nước, Philippines miễn cho 159 nước, Singapore và Malaysia đều miễn thị thực cho hơn 160 nước… Như vậy, so với các nước cùng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang miễn visa cho ít quốc gia nhất.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia Đông Nam Á miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tới 30 ngày. Đây là khoảng thời gian đủ cho cả một hành trình dài của du khách. Ngược lại, Việt Nam đang có nhiều rào cản về vấn đề này.
Du khách quốc tế nản
Bình luận về những con số trên, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, nói: “Với quy định như hiện hành, khách đến Việt Nam muốn được đi chơi, lưu trú lâu dài hơn phải xin cấp thị thực lại. Vì sự phiền phức này mà nhiều du khách không tận dụng được lợi thế miễn thị thực mà vẫn phải xin thị thực thông thường. Quá trình này khá phức tạp và mất thời gian khiến nhiều du khách quốc tế nản, không lựa chọn Việt Nam mà đến những nước khác có thủ tục thị thực thông thoáng hơn”.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel còn nêu thực tế nhiều nước tạo điều kiện cho du khách được cấp thị thực ngay tại cửa khẩu, làm thủ tục cấp thị thực online, cấp thị thực tại các cơ quan đại diện ở nước ngoài… Đáng tiếc là tất cả khâu này Việt Nam còn yếu, chưa thuận lợi cho du khách như các nước.
Cùng nhận định trên, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, kể qua trao đổi với du khách ở các thị trường mà Việt Nam miễn visa, họ cho biết thủ tục để được cấp visa thường kéo dài nhiều ngày. Ngay cả thủ tục cấp visa qua mạng cũng lằng nhằng, khó khăn chứ không thuận lợi như kỳ vọng của du khách. Việc cấp visa tại cửa khẩu quốc tế cũng tương tự như vậy.
Chính sách visa của Việt Nam được xem là điểm nghẽn lớn của du lịch. Việc miễn visa vẫn còn phải xét lại sau thời gian một năm và vẫn mang tính thử nghiệm. Chưa kể là thời hạn miễn visa trong vòng 15 ngày là quá ngắn cho chuyến du lịch của khách châu Âu và còn phải làm thủ tục gia hạn. Điều này làm mất rất nhiều thời gian, chi phí cho du khách.
“Ngay như Mỹ là quốc gia rất khó để xin visa nhưng khi đã được chấp nhận cấp thì thời hạn kéo dài tới một năm cho người Việt và có thể ra vào nhiều lần. Trong khi chính sách visa của Việt Nam lại chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào Việt Nam ở dài ngày hoặc quay lại nhiều lần” - PGS-TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Tán đồng với nhận xét trên, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, nói: “Du khách đến Thái Lan, Malaysia… được miễn visa trong khi Việt Nam chưa hấp dẫn hơn các điểm đến trên mà còn tạo rào cản về visa. Đó là chưa kể Việt Nam cũng bỏ qua lượng khách du lịch đơn lẻ khi họ đang du lịch ở Campuchia, Lào… muốn ghé qua Việt Nam một vài ngày nhưng lại phải xin visa nên khách cũng ngại”.
Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt cũng cho rằng đối với du khách, thời gian là vàng bạc nhưng thị thực điện tử của Việt Nam thường mất năm ngày, thậm chí có thể phải chờ lâu hơn mới được cấp. Chi phí xin visa từ 25 USD theo quy định của Nhà nước nhưng để giải quyết nhanh du khách phải tìm đến các công ty dịch vụ nên chi phí thực tế bỏ ra nhiều hơn.
Việt Nam miễn visa ít nhất so với các nước trong khu vực. Ảnh: TÚ UYÊN
Việt Nam nên liên kết chính sách visa với các nước
PGS-TS Phạm Trung Lương nhận định chính sách visa đang thật sự là vấn đề lớn, nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch Việt Nam, cản trở mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
“Vấn đề visa cần cải thiện nhiều hơn. Trước mắt cần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách làm thủ tục visa qua mạng; cấp visa ngay tại cửa khẩu; tăng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày so với 15 ngày như hiện tại” - TS Lương đề nghị.
Quá bất hợp lý Canada cấp visa tối đa là 10 năm. Ngay cả Mỹ là quốc gia xin visa khó nhất nhưng họ sẵn sàng cấp cho du lịch người Việt cả tháng, đi ra vô bao nhiêu lần cũng được. Trong khi Việt Nam chỉ cấp visa tối đa 30 ngày, khách chỉ được ra vô một lần. Như vậy là quá khó khăn! Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, Giám đốc công ty du lịch Vòng Tròn Việt |
Để thu hút khách du lịch quốc tế, hiện nay một số nước thực hiện chương trình liên kết visa. Ví du,̣ du khách có được visa của một trong số các nước trong khối thì vào được các nước còn lại. Từ kinh nghiệm này, giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê đề xuất: “Chính sách visa của Việt Nam có thể liên kết với Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Chẳng hạn, du khách có visa của Hàn Quốc, Nhật Bản có thể sẽ được miễn visa vào Việt Nam”.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel thì cho rằng việc miễn visa có thể thực hiện linh hoạt theo từng địa phương, điểm du lịch. Ví dụ, Hàn Quốc miễn visa cho du khách một số nước khi đến đảo Jeju theo mùa cao điểm hoặc theo từng sự kiện cụ thể. Đặc biệt, Việt Nam cần nới lỏng thời hạn thị thực từ 15 ngày lên 30, 45 ngày đối với các quốc gia thuộc diện đơn phương miễn thị thực như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý.
“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên có cơ chế về việc cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến chính sách thị thực, điểm đến. Vì khách quốc tế trước khi đến Việt Nam đều cần tìm hiểu thông tin chính thống, trong đó có vấn đề xin thị thực qua trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở nước đó” - đại diện Công ty Du lịch Vietravel kiến nghị.
“Đừng tự huyễn hoặc mình” Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho hay: Năm 2017 du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu khách, tổng thu 17,3 tỉ USD. Sang năm 2018, nước ta đón 12,9 triệu khách nhưng tổng thu giảm chỉ còn 8,8 tỉ USD. Chi tiêu trung bình của du khách tại nước ta từ 925 USD giảm còn 532 USD. Đóng góp của ngành du lịch trong GDP giảm từ 6,6% xuống còn 6%. Đáng chú ý là hiện nay trên 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không muốn quay lại; số ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế chưa vượt 2,6 ngày. “Đừng tự ru ngủ, huyễn hoặc mình rằng du lịch Việt Nam đang cất cánh mà hãy nhìn vào các chỉ tiêu cụ thể về mức độ chi tiêu, thời gian lưu trú trung bình của du khách… để biết thực chất du lịch Việt đang ở đâu. Nếu không, du lịch cất cánh vĩnh viễn chỉ là ước mơ” - ông Kỳ nói.