Ngày 10-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bến Thành - Agribank Bến Thành) cùng các đồng phạm tham ô, nhận hối lộ và vi phạm quy định cho vay do các luật sư bào chữa cho các bị cáo xin hoãn... Trước đó, VKS TP có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình đối với bị cáo Oanh về tội tham ô.
Tại phiên xử sơ thẩm trước đó, VKS đề nghị tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Oanh. Nghe bị đề nghị án tử, nói lời sau cùng, bị cáo Oanh nói rất nhiều, xin cho cấp dưới cũng như về truyền thống gia đình. "Bị cáo đã có hơn 30 năm làm Đảng viên và cống hiến. Giờ bị cáo đã già, mong HĐXX giúp để được hiến xác cho y học sau khi thi hành án. Bị cáo mong gia đình chấp nhận và thấu hiểu quyết định này", bà Oanh tha thiết.
TAND TP.HCM nhận định bị cáo Oanh để xảy ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, là chủ mưu, cầm đầu, lẽ ra cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất như VKS đề nghị. Nhưng hậu quả thiệt hại đều đã được khắc phục, phần lớn số vàng chiếm đoạt được Oanh sử dụng để mua căn nhà 225B-C Trần Quang Khải, quá trình đảo nợ đã đưa vào thế chấp tại Agribank Bến Thành cùng nhiều tài sản là bất động sản của cá nhân và gia đình bị cáo.
Cũng theo bản án sơ thẩm, trong số tiền xác định Oanh nhận hối lộ 24,6 tỉ đồng, phần lớn bị cáo sử dụng để đảo nợ cũng như trả lãi cho Agribank. Ngoài ra, bị cáo thành khẩn khai báo, có thời gian dài phục vụ, đóng góp trong ngành ngân hàng…
Từ đó, toà sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Oanh tù chung thân về tội tham ô tài sản, chung thân về tội nhận hối lộ, 12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Không đồng tình, VKS TP cho rằng bản án sơ thẩm nhận định hậu quả thiệt hại do bị cáo Oanh cùng các đồng phạm gây ra cho Agribank Bến Thành trong tội tham ô tài sản phần lớn đã được khắc phục là không có căn cứ. Theo VKS, để không bị phát hiện hành vi tham ô tài sản, Oanh đã dùng thủ đoạn đảo nợ nhiều lần và số tiền chiếm đoạt là hơn 31 tỉ đồng. Đặc biệt, tài sản đưa vào thế chấp đảo nợ chỉ có căn nhà 225B-C Trần Quang Khải và thửa đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, căn nhà được định giá 12,1 tỉ đồng và thửa đất 358 triệu đồng đều do con gái Oanh đứng tên. Nghĩa là, những tài sản này chỉ bảo đảm cho các nghĩa vụ phải thanh toán cho khoản vay chứ không phải việc khắc phục hậu quả vụ án như nhận định của bản án sơ thẩm. Chưa kể, bị cáo còn là đồng phạm giúp sức cho em rể tham ô của Agribank Bến Thành hơn 8,8 tỉ đồng.
Kháng nghị nhấn mạnh TAND TPHCM tuyên phạt Oanh tù chung thân về tội tham ô tài sản là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ, hậu quả và hành vi phạm tội của bị cáo do số tiền chiếm đoạt từ hành vi tham ô đặc biệt lớn. Ngoài ra, bị cáo còn là kẻ chủ mưu, cầm đầu, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, được che đậy, kéo dài trong nhiều năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, VKS kháng nghị cần thiết phải xử phạt bà Oanh mức tử hình.
Bà Oanh và các đồng phạm tại phiên sơ thẩm
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, hồ sơ cáo buộc có nội dung khi làm giám đốc Agribank Chi nhánh Bến Thành năm 2008-2009, bị cáo Oanh lập khống hồ sơ vay 2.660 lượng vàng (hơn 47 tỉ đồng) của Agribank để mua một căn nhà trên đường Trần Quang Khải (quận 1). Sau đó, bị cáo cho Agribank thuê lại với giá 5.800 USD/tháng để mở Phòng giao dịch Viễn Đông (đã nhận hơn 5,6 tỉ đồng).
Đến hạn trả nợ vay vàng, bị cáo chỉ đạo trưởng phòng tín dụng Trương Thế Thanh (em rể) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể) và một số doanh nghiệp khác tiếp tục vay vàng của Agribank để đảo nợ. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, bị cáo còn nợ Agribank 34 tỉ đồng.
Bị cáo Oanh còn bị cáo buộc ký duyệt cho em rể vay 13 tỉ đồng để đầu tư bất động sản. Liên quan đến việc giúp sức cho bị cáo chiếm đoạt, bảy cán bộ tín dụng của Agribank bị truy tố với vai trò đồng phạm. Ngoài ra, bị cáo còn tiếp tay doanh nghiệp chiếm đoạt tiền, vàng của ngân hàng, nhận hối lộ. Tại CQĐT, nữ giám đốc này khai đã sử dụng hết số tiền chiếm đoạt của ngân hàng mà không chia cho bất cứ người nào. Các cơ quan tố tụng xác định Agribank thiệt hại tổng cộng hơn 358 tỉ đồng.