Sáng ngày 24/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bước sang ngày thứ 6 với phần đối đáp lần thứ 2 của Viện Kiểm sát sau khi bị cáo và luật sư bào chữa các luận điểm trước đó của Viện Kiểm sát. Bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Phan Đình Đức, Vũ Khánh Trường cùng một số luật sư sau đó cũng đã có quan điểm đối đáp lại.
Mất vốn đầu tư OceanBank: Hậu quả sẽ được loại trừ nếu không có hành vi làm trái từ lúc ra quyết định đầu tư
Trong phần xét hỏi và tranh luận trước đó, luật sư và bị cáo cho rằng hoạt động đầu tư có hiệu quả, được chia cổ tức. Hậu quả mất vốn là do PVN không được thoái vốn và NHNN mua lại 0 đồng. Bản thân bị cáo Đinh La Thăng cũng 2 lần nhấn mạnh không có mối quan hệ biện chứng giữa việc PVN mất vốn và OceanBank bị mua 0 đồng.
Đối đáp với ý kiến này, VKS trước hết cho biết rất chia sẻ với các bị cáo và hiểu rõ khó khăn của các DN trong giai đoạn những năm 2008.
Tuy nhiên, VKS khẳng định hậu quả rủi ro sẽ được loại trừ nếu không có hành vi làm trái từ lúc ra quyết định đầu tư. Các bị cáo vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư, gây ra hậu quả thiệt hại thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm với thiệt hại đó.
Cùng đó, sau khi góp vốn, HĐQT PVN cũng đã không có quy trình kiểm tra giám sát riêng đối với phần vốn góp mà chỉ căn cứ số liệu báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm.
Đại diện VKS đã có phần đối đáp khá chi tiết tại phiên tòa
Kết luận thanh tra cho biết báo cáo tài chính đã không phản ánh đúng bản chất của OceanBank. VKS dẫn ra việc kể từ khi Nguyễn Xuân Sơn sang làm TGĐ OceanBank đã xuất hiện chủ trương chi lãi ngoài. Sau khi Nguyễn Xuân Sơn về PVN chủ trương này vẫn tiếp tục và bản án tuyên ngày 29/9 đã xác định thiệt hại của chủ trương này là hàng nghìn tỷ đồng cho OceanBank.
Kết luận thanh tra cũng cho thấy báo cáo tài chính hàng năm không phản ánh trung thực. PVN cũng không phát hiện được sai phạm, tồn tại, quản trị yếu kém vi phạm pháp luật của ban điều hành và HĐQT OceanBank. Trong quá trình góp vốn, PVN không có cơ chế kiểm tra riêng trong khi PVN cử nhiều cán bộ từ Hồng Việt giữ nhiều trọng trách trong ban điều hành và HĐQT.
Từ hoạt động yếu kém đã dẫn đến OceanBank âm vốn chủ sở hữu và NHNN mua lại 0 đồng.
Đối với các ý kiến của luật sư cho rằng “Không hiểu VKS ở đâu vẽ ra bản luận tội cho các bị cáo”, VKS khẳng định không vẽ ra mà căn cứ cụ thể vào điều lệ, nghị quyết Chính phủ. VKS khẳng định giữa hành vi đầu tư và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ.
NHNN khẳng định mua OceanBank có cơ sở pháp lý, VKS bác kiến nghị về quyết định mua 0 đồng
NHNN ngày 23/3 đã có công văn và được gửi đến HĐXX, VKS, luật sư sáng nay. Theo đó, NHNN khẳng định việc mua lại 0 đồng xuất phát từ hoạt động yếu kém của OceanBank dẫn đến âm vốn chủ sở hữu. Việc mua lại là đòi hỏi tất yếu.
Công văn vừa gửi sáng nay của NHNN cũng cho biết đã yêu cầu cổ đông nộp tiền bổ sung thêm để đảm bảo vốn pháp định nhưng không được thông qua. Nhà nước gánh hậu quả nợ và phát sinh khác cho OceanBank. NHNN khẳng định việc mua lại là có cơ sở pháp lý.
Theo ý kiến của VKS, tại thời điểm này, không có căn cứ nào bác được quyết định mua 0 đồng của NHNN nên ý kiến của các luật sư, bị cáo kiến nghị về việc mua 0 đồng là không có cơ sở.
Phản hồi về công văn của NHNN này, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng NHNN vẫn chưa xác định việc chấp thuận của NHNN đối với phát hành tăng vốn có ý nghĩa như thế nào. Trong khi đó, VKS cho rằng các bị cáo phải có ý thức tự giác chấp hành pháp luật và không thể nói không có nhắc nhở thì là làm đúng pháp luật.
Dừng thoái vốn vì OceanBank đã bị xác định âm vốn chủ sở hữu từ 31/3/2014
Về việc thoái vốn của PVN tại OceanBank, VKS cho rằng việc yêu cầu dừng thoái vốn là có căn cứ. Bởi việc thanh tra ngày 31/3/2014 đã chốt số liệu xác định OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu. Do đó, không thể có vốn để PVN chuyển nhượng - VKS nêu quan điểm.
Trước đó, theo lời khai trước tòa của ông Phùng Đình Thực, đã có hai đối tác chấp nhận mua lại phần vốn góp 20% của PVN với giá tương đương mệnh giá là Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Nguyên (15%) và EMC Holding Ltd - Singapore (5%). Hà Văn Thắm trước đó cũng cho biết đã làm việc với các đối tác này, khi đó cũng giải thích về báo cáo tài chính sau kết luận thanh tra.
Trước quan điểm của VKS, luật sư Phan Trung Hoài sau đó đã yêu cầu VKS đối đáp về ý kiến này bởi theo ông OceanBank mới được NHNN xác định có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Vì sao đại diện VKS cho rằng PVN không có vốn để có thể chuyển nhượng?
Luật sư cũng đề nghị được giải quyết câu hỏi liệu NHNN mua 0 đồng có phải là nguyên nhân chính khiến PVN bị mất vốn hay không.
Trong phần đối đáp, luật sư cũng đưa ra một luận điểm mới rằng PVN không mất vốn mà phần vốn nhà nước được chuyển từ PVN sang NHNN.
Bởi theo ông, trong quyết định mua 0 đồng, một nội dung được đề cập là chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ của cổ đông. Nội dung này theo luật sư không có nghĩa là PVN mất phần vốn góp mà NHNN thay mặt PVN đại diện sở hữu. Trong khi PVN cũng là DNNN 100% vốn nhà nước. Luật sư Hoài đặt ra câu hỏi điều này liệu có thể hiểu là tư cách và phần vốn nhà nước tại OceanBank được chuyển từ PVN sang NHNN.
Vị luật sư bảo vệ cho bị cáo Đinh La Thăng cho rằng VKS đã bỏ qua trong bản luận tội việc PVN vẫn được chia cổ tức đến năm 2013. Bị cáo Thăng trước đó cũng nhắc lại việc đầu tư ngoài giúp nhận được cổ tức 244 tỷ đồng còn giúp không lãnh phí hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư vào Hồng Việt. Theo bị cáo, thời điểm đầu tư, việc thoái vốn không được đồng ý hay mua 0 đồng là điều "không thể nghĩ đến được".
Luật sư nhắc lại ý kiến của bị cáo khi cho rằng khó thay đổi quan điểm đánh giá của VKS. OceanBank vẫn trả cổ tức đến năm 2013, tức 2 năm sau khi bị cáo Thăng không còn làm việc và nhận quyết định 0 đồng hồi năm 2015. Việc đầu tư của PVN và việc NHNN mua 0 đồng theo ông là là hoàn toàn khác nhau.