Cho tới 22h ngày 3/5, phiên tòa xét xử vẫn đang diễn ra để Viện kiểm sát (VKS) cùng các bị cáo, luật sư trong phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án OceanBank hoàn tất tranh tụng và nói lời sau cùng trước khi tuyên án vào chiều mai 4/5.
Là bị cáo đối diện với mức án nặng nhất trong bản án sơ thẩm - tử hình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đối diện với 3 tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn và Tham ô chiếm đoạt tài sản. Thông tin từ VKS cho biết, số tiền mà gia định bị cáo Sơn khắc phục là 37 tỷ đồng nhưng chưa có căn cứ xác định về việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong lời nói cuối trước tòa phúc thẩm, bị cáo Sơn khẳng định "không còn giấu diếm cho bất kỳ ai", "không còn gì hơn để trình bày".
Vợ bị cáo Sơn đã khắc phục 3/4 thiệt hại trong tội danh tham ô
Trong phần đối đáp lần thứ hai của mình, VKS cho biết đã đề nghị HĐXX lưu ý khi nghị án về đề nghị của bị cáo Sơn bán tài sản chung của hai vợ chồng. Ngày 2/5, vợ bị cáo Sơn là bà Võ Thị Thanh Xuân đã đóng 5 tỷ đồng vào tài khoản của Cục thi hành án dân sự. Đồng thời, bà Xuân cũng đã trình VKS thỏa thuận số 264 bà Xuân vay của ông Trung Hà 32 tỷ đồng. Tổng cộng hai khoản tiền tương đương 3/4 mức thiệt hại 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn cho PVN theo quyết định của bản án sơ thẩm 29/9.
Tuy nhiên, VKS cũng nhấn mạnh dù ghi nhận khắc phục hậu quả tội tham ô tài sản nhưng vẫn chưa đủ điều kiện áp dụng khoàn 3c Điều 40 - Bộ luật Hình sự 2015.
Theo VKS, với diễn biến của phiên tòa thì bị cáo Sơn cho đến thời điểm này chưa có căn cứ xác định về việc hợp tác tích cực với cơ quan chức năng nên hiện vẫn chưa đủ điều kiện để VKS giảm hình phạt cho bị cáo Sơn.
Hình phạt tử hình được quy định tại Điều 40 - Bộ luật hình sự 2015
Đại diện VKS có quyền công tố cũng cho biết đối với khoản tiền 20 tỷ đồng mà ông Ninh Văn Quỳnh nộp khắc phục và được bản án sơ thẩm tuyên trả lại bị cáo Sơn, hiện chưa có căn cứ để giảm trừ số tiền 20 tỷ đồng cho bị cáo Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn nói lời sau cuối
Nói lời sau cùng trước tội danh tham ô, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn gửi lời cảm ơn HĐXX đã có nhìn nhận xét xử nhân văn, cảm ơn VKS dù kiến nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm nhưng thể hiện được cách nhìn và có tình thương đặc biệt theo cảm nhận của bị cáo.
Theo bị cáo Sơn, bản án sơ thẩm trước đó đã đánh giá ông thành hình ảnh quá khác biệt so với nhân cách của mình.
"Bản án đẩy bị cáo lên vị trí chủ như bị cáo Hà Văn Thắm. Nhưng thực tế, bị cáo chỉ là người đi làm thuê vì thực tế OceanBank là ngân hàng của ông chủ. Bị cáo mong HĐXX và VKS thấu hiểu bản chất thật của bị cáo.", ông Sơn nói trước tòa.
Bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải tư lợi, ở bất cứ nơi nào cũng chăm lo chu đáo cho cấp dưới đến mức khi dời OceanBank đã có nhân viên cấp dưới đã khóc bởi biết nếu anh Sơn ở lại thì sẽ được hơn. Ở bất cứ nơi nào bị cáo cũng là người như vậy.
Ông cho rằng cáo buộc việc nhận toàn bộ khoản tiền mà bị cáo Thắm đưa trong 6 năm là điều đau đớn với tình cảm của bị cáo với ngân hàng .
Sau ngày kết án sơ thẩm, bị cáo Sơn đã thành khẩn khai báo. Tới ngày 2/3, bị cáo Sơn đã có tờ trình gửi VKS Cấp cao Hà Nội dù không rõ bản giải trình đấy đã đến VKS hay không nhưng xin được ghi nhận về việc thành khẩn.
"Bị cáo đã không còn giấu diếm cho bất kỳ ai, khai báo cụ thể đưa cho ai, ngày tháng và tiền gì đối với khoản 269 tỷ đồng cũng như các đơn vị đưa tiền sau này. Bị cáo không còn gì hơn để trình bày, có một số thông tin nhạy cảm với xã hội nên chỉ trình bày với cơ quan cảnh sát điều tra", bị cáo Sơn cho hay.
Ông Sơn cũng dành thời gian giãi bày về một con người cống hiến cho anh em, bạn bè, đơn vị đặc biệt là dầu khí. Bị cáo cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm với bị cáo Thắm hoàn toàn với mục đích để ngân hàng phát triển.Việc chi lãi ngoài không phải vẽ ra để gây thất thoát cho ngân hàng.
Bị cáo Sơn mong muốn HĐXX phán quyết để các bị cáo sớm quay lại xã hội, với riêng bị cáo có cơ hội được sống, tiếp tục làm việc có ích cho xã hội, đền bù cho thiệt hại đã gây ra.
Ông cũng cho biết đang bị tai biến động mạch vành và có thể đột tử bất cứ lúc nào; mong muốn kết án không chịu mức án tử hình để không phải chịu điều kiện giam giữ khắc nghiệt mà có thể không chịu đựng được trong thời gian tới đây.