Sau ba ngày xét hỏi, sáng nay (22/3), phiên xét xử bước sang phần tranh tụng. Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm ký Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank nhưng không thông qua HĐQT; ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng Thỏa thuận 6934 không có giá trị pháp lý mà chỉ mang tính nội bộ và đã báo cáo Thủ tướng, cho rằng mình vi phạm luật các TCTD nhưng không biết và khẳng định đã thực hiện góp vốn đúng quy trình và được sự đồng ý của Thủ tướng.
Viện Kiểm sát cho rằng Đinh La Thăng đã tự mình quyết định ký thỏa thuận, cam kết sử dụng các dịch vụ OceanBank mà không hỏi ý kiến HĐQT, vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn Chủ tịch HĐQT. Tháng 3/2017, để hợp thức hóa, Đinh La Thăng đã yêu cầu thành viên HĐQT ký xác nhận, một số đã ký gồm Hùng, Cảnh, Hòa. Ba người làm chứng này tại phiên tòa cũng đã khẳng định lại việc ký xác nhận không đúng sự thật. Viện Kiểm sát xác định Đinh La Thăng đã có thủ đoạn che giấu. Lời khai về việc ký thỏa thuận đúng pháp luật là không đúng.
Báo cáo của ban lãnh đạo PVN khi đó đã nêu rõ tình hình tài chính của OceanBank trong đó đã đề cập việc số liệu có thể phát sinh lỗ, khả năng thanh khoản kém. Đinh La Thăng do đó biết rõ tình trạng yếu kém của OceanBank. Việc khai nhận đã được sự đồng ý của Thủ tướng khi đầu tư là không đúng sự thật.
Tới tháng 10/2008, PVN mới xin ý kiến Thủ tướng, Thủ tướng giao trình tự do Bộ ngành hướng dẫn. Bộ Tài chính sau đó đã yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank và yêu cầu PVN tự trách nhiệm với khoản đầu tư.
VKS xác định đây không phải là khuyến cáo mà bắt buộc. Đại diện Bộ Tài chính tại phần xét xử trước đó cũng xác định đây là yêu cầu của Thủ tướng nhưng PVN không thực hiện. Đinh La Thăng biết rõ tình trạng yếu kém của OceanBank, biết cần xin chủ trương trước khi ký thỏa thuận nhưng cố ý không thực hiện.
VKS xác định bị cáo Thăng đã làm trước báo cáo sau, thỏa thuận trước sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành để hợp thức hóa. Đồng thời việc không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng và bộ ngành là coi thường của pháp luật.
Theo VKS, bị cáo Thăng đã có thủ đoạn che giấu, chưa thành khẩn nhận lỗi nên cần có mức nghiêm khắc nhưng xem xét một phần hình phạt do cống hiến trước đó cùng việc nhận trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình truy tố.
VKS cho rằng hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến đội ngũ cán bộ công chức, ảnh hưởng đến niềm tin về DNNN. Các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, có quá trình rèn luyện phấn đấu nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng.
Đối với hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn… hành vi của Ninh Văn Quỳnh đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tài sản nhà nước và gây mất lòng tin trong nhân dân.
Sau phần luận tội của mình, VKS kiến nghị lên HĐXX mức án cho các bị cáo trong đó Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Đức không cần cách ly xã hội.
Sau phần luận tội của mình, VKS kiến nghị lên HĐXX mức án cho các bị cáo trong đó Nguyễn Xuân Thắng và Phan Đình Đức không cần cách ly xã hội. Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án cao nhất 18-19 năm tù. Về trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự này, VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng chịu trách nhiệm chính, các bị cáo khác liên đới chịu trách nhiệm bồi thường 800 tỷ đồng cho PVN.