Thị trường chứng khoán năm 2020 chứng kiến nhiều biến động khi giảm sâu trong tháng 3-4 nhưng hồi phục mạnh về cuối năm. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức hơn 1.100 điểm, tăng gần 15% trong năm.
Ngành quỹ trong giai đoạn thị trường lao dốc cũng gặp không ít áp lực. Giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ diễn biến tiêu cực, quy mô hoạt động bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí trong 9 tháng đầu năm, hàng loạt tên tuổi lớn như VNM ETF, Vietnam Holding, VEIL-Dragon Capital… vẫn có hiệu suất âm.
Tuy nhiên sự khởi sắc của thị trường về cuối năm đã giúp hàng loạt quỹ đầu tư thắng lợi trong 2020. Mức tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ nhiều đơn vị ở mức 2 con số, đặc biệt là hiệu quả cao của các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) nội.
Diễn biến VN-Index trong năm 2020. Đồ thị: TradingView.
Quỹ ETF nội hiệu quả nhất
Loại hình quỹ ETF phát triển vượt bậc trong năm 2020 với nhiều đơn vị ra đời như VFMVN Diamond, SSIAM VNFIN Lead, VinaCapital VN100, MAFM VN30, SSIAM VN30 ETF. Dù ra đời muộn và quy mô còn nhỏ nhưng hoạt động của các quỹ ETF nội đang cho thấy hiệu quả cao.
Được thành lập vào tháng 4/2020, VFMVN Diamond ETF là đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong năm qua khi tăng trưởng NAV/ccq lên đến 69,7%. Quy mô hoạt động liên tục được mở rộng đạt trên 5.280 tỷ đồng, tức gấp gần 52 lần kể từ khi thành lập đến nay.
VN Diamond được vận hành bởi Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), mô phỏng theo chỉ số Vietnam Diamond Index dành cho các cổ phiếu hết room ngoại. Do vậy, quỹ này được nhiều tổ chức nước ngoài khác quan tâm lớn như PYN Elite Fund hay CTBC Vietnam Equity Fund. Quỹ hút ròng thêm 180 triệu USD trong năm qua và hiện có 311,1 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành.
Tương tự là SSIAM VN FIN Lead ETF khi hút ròng hơn 30 triệu USD ngay trong năm đầu tiên thành lập. Quy mô hoạt động đã vượt qua mốc 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kể từ khi đi vào hoạt động trong tháng 3/2020.
VN FIN Lead được quản lý bởi Quản lý quỹ SSI (SSIAM), danh mục đầu tư chủ yếu là các cổ phiếu hàng đầu ngành tài chính. Hiện NAV/ccq đạt gần 13.350 đồng, tương đương mức tăng 33,5% trong năm vừa qua.
Các quỹ ETF nội khác cũng có hiệu quả cao như SSIAM VN30, VFMVN30, VinaCapital VN100 ETF, SSIAM VNX50 có mức tăng trưởng 20-30%.
Ngược lại, các quỹ ETF ngoại lại có hiệu suất kém nhất. Quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF hiện mô phỏng theo FTSE Vietnam Index (bộ chỉ số có nhiều tỷ trọng cổ phiếu họ Vingroup) và Premia MSCI Vietnam ETF mô phỏng MSCI Vietnam Index (nhiều cổ phiếu bất động sản). Trong khi đó V.N.M ETF chỉ đầu tư khoảng 2/3 danh mục vào thị trường Việt Nam, còn lại ở các thị trường chứng khoán khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Các quỹ ETF nội hoạt động hiệu quả nhất trong năm 2020. |
PYN Elite và VOF tăng trưởng cao
Trong các quỹ chủ động, PYN Elite Fund ghi nhận hiệu suất dương 30,7% trong năm qua. Việc nắm giữ tỷ trọng cao các cổ phiếu ngân hàng (hơn 37% vào 10/12/2020) là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thành tích của quỹ.
Quỹ đến từ Phần Lan đánh giá rất cao các ngân hàng Việt Nam và xếp vào nhóm các cổ phiếu tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Cổ phiếu lớn nhất trong danh mục quỹ là VietinBank với tỷ trọng khoảng 10,6% NAV.
VOF – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital cũng thắng lớn trong năm 2020 khi tăng trưởng hơn 30,1%, giúp quy mô hoạt động vượt qua 1 tỷ USD. Kết quả này chủ yếu nhờ sự tăng giá của cổ phiếu lớn nhất danh mục là Hòa Phát (chiếm đến 16,7%, gần gấp đôi tỷ trọng khoản đầu tư lớn tiếp theo). Chiến lược đầu tư cổ phần tư nhân (PE) và thoái vốn cũng hỗ trợ đáng kể vào thành tích của quỹ.
Quỹ tỷ đô VEIL của Dragon Capital cũng có hiệu suất lên đến 21,75% trong năm, quy mô danh mục đạt gần 1,8 tỷ USD. Các khoản đầu tư lớn nhất của VEIL cũng bao gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng hơn 28% và cả khoản đầu tư lớn nhất HPG (tỷ trọng gần 12%).
Các quỹ chủ động khác cũng có hiệu quả tốt hơn chỉ số VN-Index như LionGlobal Vietnam Fund tăng gần 21%, JPMorgan VOF tăng gần 18% hay Vietnam Holding tăng hơn 15,4%...