Phiên giao dịch đầu tuần VN-Index đã xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.450 điểm rơi về vùng 1.446 điểm, tức giảm 20 điểm ngay phiên đầu tuần. Cả thị trường chìm trong biển lửa, ngay cả những cổ phiếu hàng hoá vốn được nhận định hưởng lợi trong cuộc chiến Nga - Ukraine cũng "quay xe" giảm sàn la liệt. Thị trường không còn động lực chống đỡ nên đã giảm sâu xuyên thủng mốc 1.450 ngay phiên đầu tuần.
Loạt cổ phiếu trụ, vốn hoá lớn "đỏ lửa" khiến nỗ lực hồi của VN-Index bị dập tắt cuối phiên. VHM trong phiên 14/3 đã có lúc giảm mạnh về mức 73.500 đồng/cổ phiếu và cuối phiên hồi phục lên 74.500 đồng/cổ phiếu. Mức PE = 8 với doanh nghiệp có lợi nhuận quán quân trên sàn chứng khoán Việt gần 50.000 tỷ đồng. Hay MSN - "ông vua" hàng tiêu dùng cũng lùi sâu về mức 136.100 đồng/cổ phiếu, giảm 4,5%. HPG giảm 3,8% về 45.800 đồng/cổ phiếu. Đây chính là hai "tội đồ" khiến VN-Index giảm sâu phiên hôm nay. Dòng chứng khoán, phân bón, dầu khí…đồng loạt lao dốc mạnh.
Tuy thị trường diễn biến tiêu cực ngay phiên đầu tuần nhưng một vài dấu hiệu đã cho thấy thị trường có cơ sở để hồi phục trong một vài phiên tới.
Một nhà đầu tư kỳ cựu là ông Lâm Vũ đã đưa ra nhận định trong phiên hôm nay: "Tôi vẫn bảo lưu quan điểm VN-Index sideway vùng 1.450-1.550 điểm. VN-Index có thể tạo đáy trong phiên mai hoặc một số cổ phiếu sẽ tách nhóm rõ nét. Ngay từ phiên nay đã thấy rồi! Tiền vào chủ động mặc dù chỉ số rơi! Hãy lựa chọn những doanh nghiệp lợi nhuận quý 1 tốt".
Nhà đầu tư này nhấn mạnh việc chọn cổ phiếu trong những phiên giảm, túc tắc nhặt dần với những cổ phiếu tốt chiết khẩu vùng mua hợp lý. Đừng quá kỳ vọng những cổ phiếu tốt rơi sâu vì thực tế khá nhiều cổ phiếu tốt theo định giá 2022 đang rẻ thực sự.
Thực tế phiên giao dịch 14/3 đã xuất hiện một vài tín hiệu cho thấy có thể vùng đáy quanh đâu đây rồi.
Về thị trường, thị trường đã có cầu "bắt đáy" với thanh khoản gần 27.200 tỷ đồng trên sàn HoSE, nhiều cổ phiếu giảm mạnh nhưng vẫn có thanh khoản. Dòng tiền chủ động vào "đỡ giá" cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn hoá lớn đã có đà giảm mạnh dường như đã cạn kiệt lực bán, bên mua bắt đầu có dấu hiệu thắng thế. Dấu hiệu đó là TPB, MBB, STB, VCB, SHB lực mua đã thắng thế khi cổ phiếu chốt phiên xanh sau đà giảm mạnh trước đó. Tuy thanh khoản chưa lớn nhưng phần nào cho thấy dòng tiền bên mua đã giữ ưu thế.
ACB tham chiếu, CTG, TCB, VPB giảm nhẹ với thanh khoản rất nhỏ 2-5 triệu đơn vị/mã. Điều này cho thấy lực bán ra với nhóm này đã cạn kiệt sau một thời gian điều chỉnh mạnh trước đó. Nhóm cổ phiếu trụ SAB đã hồi phục lên tham chiếu trong khi VIC, VHM còn giảm nhẹ. Các nhóm cổ phiếu này đã có đà giảm trước đó nên việc giảm mạnh thêm nữa xác suất thấp.
Đặc biệt, phiên nay một số nhóm cổ phiếu đã "tách nhóm giảm" để tìm lại sắc xanh như BCG, LCG, DIG, VHC, ASM, DBC, HDC, DXG, HT1, VEF, CTD, HBC, REE, VRE, HTN…
Do đó về mặt chỉ số VN-Index có thể được "cầm máu" ở vùng quanh 1440-1450 điểm và hồi phục nếu có tin hỗ trợ tích cực.
Về mặt yếu tố vĩ mô, những tin xấu nhất về chiến tranh Nga - Ukraine, cùng với đó là lệnh cấm xuất khẩu 200 mặt hàng từ phía Nga đã phản ánh vào thị trường gồm thị trường hàng hoá tăng phi mã và cổ phiếu giảm sâu. EU cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu sắt thép và các mặt hàng cao cấp từ Nga. Lệnh cấm vận, từng phạt lẫn nhau của Mỹ, EU và Nga đã được công bố và đã phản ánh đáng kể vào thị trường tài chính cầu khi các chỉ số chứng khoán của Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc…đều đã giảm rất mạnh.
Trong bối cảnh đó, thế giới đang kỳ vọng về một thoả thuận ngừng bắn ở Ukraine và Nga. Chia sẻ với truyền thông của Nga, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma quốc gia Nga (Quốc hội), nói rằng: "Nếu chúng ta so sánh các cuộc đàm phán từ đầu tới nay, chúng ta sẽ thấy những tiến bộ đáng kể. Tôi rất vui khi nói rằng, theo góc nhìn của tôi, trong vài ngày tới, những tiến bộ này có thể đưa chúng ta đến việc ký kết một thỏa thuận".
Ông Slutsky nhấn mạnh việc ký thỏa thuận sẽ là vấn đề "tối quan trọng" bởi nó sẽ tạo cơ sở để giảm leo thang và cứu mạng nhiều người.
Về kinh tế Việt Nam, trong báo cáo mới công bố, Dragon Capital đã có những đánh giá về tác động của giá cả hàng hóa tăng "phi mã" tới doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Dragon Capital đánh giá cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không có tác động lớn đối với nền kinh tế Việt Nam ngoại trừ việc giá cả nguyên vật liệu tăng. Nhập khẩu ròng nhiên liệu trong vài năm gần đây cùng với một vài gián đoạn có thể có trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, giảm thặng dư từ 13,2 về 10,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD sẽ không bị ảnh hưởng bởi dòng vốn FDI dồi dào, dự trữ ngoại hối cao, và dư nợ nước ngoài thấp. Quan ngại lớn nhất hiện tại là lạm phát vì khi giá xăng dầu tăng cùng với giá các nguyên vật liệu xây dựng tăng có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng và việc giải ngân đầu tư công.
Dragon Captial đánh giá rủi ro lớn nhất của Việt Nam không đến từ vấn đề vĩ mô/thị trường trong nước, mà đến từ tác động lan tỏa không thể tránh khỏi nếu khủng hoảng tại Ukraine kéo dài và giá hàng hóa tăng mạnh gây ra tình trạng lạm phát đình trệ tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra, Dragon Capital cho rằng Việt Nam vẫn có thể vượt trội hơn các thị trường khác nhờ các yếu tố nội tại tích cực.
Dragon Capital đã điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 từ 3,5% lên 4,2%, và cho rằng mức này chưa quá ảnh hưởng đến lãi suất chính sách năm 2022.
Về vấn đề giá xăng tăng mạnh ảnh hưởng đến chỉ số CPI, mới đây Chính phủ đã thông qua đề xuất giảm thuế môi trường với xăng ở mức 2000 đồng/lít. Nếu điều này được Quốc hội thông qua đồng nghĩa với việc sức nóng từ giá xăng sẽ hạ nhiệt.
Về thị trường hàng hoá, giá dầu, vàng, thép và các mặt hàng trọng yếu sau thời gian tăng nóng đã có xu hướng điều chỉnh. Cụ thể, giá dầu WTI đang giảm gần 4% về mức 105 USD/thùng, dầu Brent giảm 3,2% về mức 109 USD/thùng, giá vàng về mức 1.969 USD/lượng,…