Phiên giao dịch cuối tuần qua có thể nói là "ngày đen tối" của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index bốc hơi gần 39 điểm, lùi sâu về mốc 1.443. Như vậy, mọi thành quả tăng giá trong cả tháng 11 đã bị đánh bay chỉ trong một phiên giao dịch.
Mặc dù trải qua nhiều biến động, song năm 2021 vẫn được xem là thời điểm thăng hoa của thị trường khi liên tục đổ xô những kỷ lục lịch sử dù nền kinh tế nhuốm màu Covid-19. Sự bùng nổ của thị trường trong một thời gian dài khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu thị trường chứng khoán có đang quá "nóng"?
Chia sẻ tại tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022" do VNDirect tổ chức, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích của VNDiect đánh giá thị trường Việt Nam không quá "nóng" và vẫn còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Lý giải về điều này, bà Hiền cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ khi mới trải qua 25 năm hoạt động. Trong quá trình đó, nhà đầu tư đã trải qua thời điểm chứng khoán "lên đỉnh, rớt đáy" nhiều lần nên dường như vẫn ngờ vực trước đà tăng trưởng ổn định của thị trường.
Tuy nhiên, với sự trưởng thành của thị trường chứng khoán hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng vững chắc trong dài hạn. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức giá khá hợp lý so với thị trường chung, do đó vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Cũng bàn về vấn đề này, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA cho biết: "Nhìn lại quá khứ, ngày giao dịch đầu tiên của VN-Index chỉ có 100 điểm, tính đến thời điểm hiện tại đã gấp gần 15 lần. Vì vậy nói thị trường tăng "nóng" cũng không hề sai".
Tuy nhiên, đi kèm với đà tăng của VN-Index, GDP Việt Nam cũng tăng trưởng vượt bậc lên mức 400 tỷ USD. Dựa vào sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới, thị trường chứng khoán hoàn toàn có thể tiếp tục bứt phá.
Theo dự báo của VNDiect, sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index trong năm tới. Theo đó, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt ngưỡng 1700-1760 điểm trong năm 2022, trên cơ sở định giá chỉ số P/E ở mức 16-16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận toàn bộ doanh nghiệp đạt 21%.
Nói về nhóm ngành triển vọng trong năm 2022, ông Hoàng cho biết bên cạnh những ngành được hưởng lợi từ đầu tư công, còn một nhóm ngành khá triển vọng khi ngành thương mại điện tử "lên ngôi" đó là nhóm năng lượng. Bởi hiện tại Việt Nam chưa có nhà sản xuất chíp bán dẫn để hỗ trợ công nghệ điện tử. Đặc biệt, hiện cổ phiếu năng lượng dường như đang bị "lãng quên" với mức định giá khá thấp. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, nhóm ngân hàng cũng đang có mức định giá hấp dẫn khi đã điều chỉnh giảm suốt 5 tháng qua.
Cùng quan điểm, bà Trần Khánh Hiền cũng ưu tiên chọn ngành ngân hàng, mặc dù lợi nhuận trong năm 2022 có thể giảm và rất khó tìm kiếm ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng 30% như năm 2021. Tuy nhiên, bà cho rằng điều đó cũng khá hợp lý ngân hàng đang chia sẻ một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và cũng cần cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Với thanh khoản thị trường như hiện nay, dòng tiền không thể tiếp tục chảy vào nhóm vốn hoá vừa và nhỏ mà sẽ tìm đến những nhóm ngành có định giá hấp dẫn hơn. Bật mí về danh mục cổ phiếu trong năm 2022, vị giám đốc cũng cho biết VCB, VND, POW là những cổ phiếu có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, hai vị chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị với một số cổ phiếu nhóm ngành ô tô, F&B, thực phẩm và bán lẻ sẽ quay trở khi nhu cầu tiêu dùng dần hồi phục, dư địa tăng trưởng dự báo sẽ tốt hơn năm trước.
Với nhóm ngành được dự báo dư địa tăng trưởng thấp trong năm 2022, các chuyên gia đều đồng quan điểm là những ngành có biến động mạnh theo giá hàng hoá có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể là những ngành như thép, phân bón, than sẽ có dư địa tăng trưởng thấp, thậm chí giảm giá trong năm tới.
Theo phân tích từ các chuyên gia, giá nguyên vật liệu năm tới dự báo sẽ giảm mạnh kéo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh. Ngoại trừ những doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao sản lượng.