Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tháng 4 một cách đầy hứng khởi, VN-Index đã phá ngưỡng kỷ lục điểm số kéo dài hơn 3 năm tạo đà tâm lý hứng khỏi cho giới đầu tư. Kết thúc tuần giao dịch trước, chỉ số đạt 1.224,45 điểm.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) yếu tố lịch sử ủng hộ thị trường trong tháng 4 khi mà VN-Index có 6/10 năm tăng điểm. Sự hỗ trợ đến từ mùa ĐHCĐ thường niên và kết quả kinh doanh quý I các công ty niêm yết.
Mục tiêu ngắn hạn mà VCSC đặt ra ở mức 1.225 điểm là tương đối chính xác.
VN-Index
Nhiều doanh nghiệp lớn đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đồng thuận với dự báo của các cơ quan trong và ngoài nước về một năm hồi phục kinh tế trở lại trên 6,5%.
Theo tính toán của FiinGroup, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 được dự báo tăng 20,4% nhờ động lực các doanh nghiệp đầu ngành và duy trì tăng trưởng của nhóm ngân hàng.
Triển vọng lợi nhuận tích cực đã đưa định giá của nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 về mức khá hấp dẫn so với giai đoạn trước COVID-19. Các ngành được ưa thích gồm: bất động sản, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản… khi P/E dự phóng cho năm 2021 thấp hơn đáng kể so với P/E trung bình 3 năm.
Tuy nhiên ở chiều hướng tiêu cực, khối ngoại bán ròng và khả năng COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng là những yếu tố tác động lên thị trường, VCSC nhận định.
Khối ngoại đã bán ròng liên tục kể từ tháng 2 - 3 năm ngoái với tổng giá trị lên tới hàng tỷ USD thông qua phương thức khớp lệnh. Trong một vài tháng họ mua ròng, nhưng chủ yếu là thoả thuận như mua cổ phiếu VHM (tháng 6/2020).
Đỉnh điểm vào tháng 3 vừa qua, nước ngoài đã bán ròng khoảng 11.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của họ đối với cổ phiếu Việt Nam hiện ở ngưỡng 18,5%, thấp nhất 3 năm.
Đối ứng với lực bán của các nhà đầu tư ngoại là lực mua chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với tính biến động lớn hơn của thị trường.
Theo các chuyên gia, dòng vốn không chỉ rút ra tại thị trường Việt Nam mà còn với nhiều thị trường mới nổi và cận biên ở châu Á khác. Họ đang dịch chuyển đến các thị trường hấp dẫn hơn như Mỹ, Nhật Bản với các gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ.
Nhưng ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) nói rằng, nước ngoài không hẳn là rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam, mà họ chuyển sang trạng thái nắm giữ tiền mặt. Động thái cơ cấu của các quỹ ngoại cũng là chuyện bình thường.