Thời gian qua, TTCK Việt Nam liên tục chứng kiến những đợt rung lắc dữ dội như "tàu lượn", khiến không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà với giới chuyên gia cũng khó có thể dự báo xu hướng.
Dưới đây là chia sẻ của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Mirae Asset Việt Nam về nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh trong thời gian qua:
Tại TTCK Việt Nam, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 80% tức khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng/phiên, vượt trội so với nhóm tổ chức nội và ngoại. Vậy có thể suy ra cốt lõi vấn đề "tàu lượn" của thị trường được bắt nguồn từ ba yếu tố sau:
1. Nhận thức tài chính của nhà đầu tư và nền tảng đầu tư. Nhà đầu tư có xu hướng coi thị trường như một canh bạc và một thương vụ "đánh quả", vì vậy trạng thái tâm lý dao động luôn là chủ đạo, hoặc quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi và lược bỏ những tính logic cũng như nền tảng căn bản về tài chính và đầu tư, điều này hình thành nên hành vi giao dịch lướt sóng đơn thuần dựa trên những nhận định mang tính chủ quan, truyền miệng và thiếu căn cứ xác thực.
2. Thông tin truyền thông còn nhiều khoảng trống cho tin nội bộ, tin đồn, và bị định hướng rất rõ ràng. Có thể nói đây là một trong những điểm yếu chí tử của thông tin tại TTCK Việt Nam khi những chế tài về thông tin nội gián ảnh hưởng đến cấu trúc giao dịch và thông tin ảnh hưởng định hướng dòng tiền được tận dụng, public đầy chủ đích để nhằm điều hướng thị trường một cách không minh bạch như các thông tin về margin, các thông tin về chính sách tiền tệ,…
3. Ngoài ra, không thể phủ nhận quy mô thị trường vẫn còn nhỏ và thiếu hàng hóa chất lượng cũng như thiếu số lượng lớn nhà đầu tư chuyên nghiệp. Rõ ràng kể từ khi VN30 loại một vài cổ phiếu kém chất lượng khỏi danh mục thì chỉ số điểm VN30 đã tăng vượt qua chỉ số điểm của VN-Index một khoảng cách lên tới hơn 50 điểm. Điều này cho thấy rổ cổ phiếu chất lượng luôn được quan tâm và rất hiệu quả và khả dụng cho đầu tư (investable), nhưng con số 30 là còn quá ít, vì vậy chỉ khi nhóm trụ được tăng lên mạnh từ 50-100 cổ phiếu thì thị trường mới giảm thiểu biến động và không còn kéo nhau lên cùng lên, xuống cùng xuống nữa.
Định giá thị trường và tiềm năng tăng giá
Mặc dù chúng ta là chỉ số rẻ thứ 2 khu vực chỉ sau Trung Quốc nhưng đây lại là chỉ số tham chiếu là chính chứ không phải chỉ số định hướng. Đơn giản có thể nhìn vào lãi suất cơ bản - nền tảng và kỳ vọng của lợi tức khi đầu tư vào cổ phiếu. Việt Nam được lợi điểm là ROE tốt nhưng cũng chứa rủi ro tiềm ẩn cho việc lãi suất tăng trở lại. Ngoài ra trụ của thị trường hầu hết là nhóm ngành thâm dụng vốn và ít giá trị gia tăng như tài chính ngân hàng, BĐS, xuất khẩu thuỷ hải sản, gỗ,...
Tỷ trọng của các nhóm ngành công nghệ, nhóm công nghiệp, tiêu dùng hay các kì lân đều còn thiếu. Sự kỳ vọng hợp lý và backtest trong quá khứ cho thấy P/E của thị trường đã ở vùng hợp lý quanh 20x này. Để có thể tăng upside này lên thì cần rất nhiều việc phải làm trong đó cốt lõi là giá trị gia tăng của nền kinh tế.
Thị trường Việt Nam - Triển vọng tươi sáng trong dài hạn
Có thể giai đoạn này thị trường cần một nhịp nghỉ bởi vùng trũng thông tin, nhưng rồi sẽ nhanh chóng qua đi khi sự cải cách thể chế và môi trường kinh doanh đã và đang là động lực lớn cho nền kinh tế.
Một ví dụ điển hình là Vinfast hiện đang gây tiếng vang rất lớn khi xác suất cao sẽ trở thành công ty Việt Nam IPO và niêm yết tại Mỹ thành công với định giá hơn 50 tỷ USD.
Thập kỷ này vẫn là thập kỷ vàng của Việt Nam và sự ý thức chuyển mình, khẳng định vị thế cũng như tiến lên về kinh tế và vị thế quốc gia đã được nhìn nhận và đây là tín hiệu tích cực nhất cho nhà đầu tư trong một xu hướng dài hạn.
Xin kết bằng câu: Ở đâu có ý chí nơi đó có con đường!