BizLIVE ghi nhận ý kiến của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam xoay quanh các vấn đề trên.
Ông có bình luận gì về việc tổ chức FTSE Ressull mới đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2?
Tôi nghĩ thông tin FTSE đưa chứng khoán Việt vào danh sách xem xét nâng hạng có tác động tích cực mang tính chất ngắn hạn và mức độ ở mức vừa phải chứ không quá lớn. Bởi để được chính thức nâng hạng thì ít nhất chúng ta phải chờ một năm sau. Bên cạnh đó tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nâng hạng của MSCI nhiều hơn.
Dĩ nhiên vô được FTSE vẫn là tin tốt tuy nhiên tác động là ít bởi việc đó chỉ là xem xét được theo dõi nâng hạng. Trên thực tế đã từng có rất nhiều nước như Ả Rập Xê Út được vào danh sách theo dõi nâng hạng năm 2015 nhưng mãi đến năm 2018 mới chính thức được nâng hạng, còn Kiev mất đến 9 năm thì mới vô được nên phải chính thức được nâng hạng mới có tác động lớn tới thị trường.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng MSCI đưa chứng khoán Việt vào danh sách theo dõi nâng hạng bởi họ đánh giá MSCI cao hơn FTSE. Họ cho rằng FTSE tiêu chuẩn thấp hơn MSCI. Tuy nhiên trong trường hợp FTSE đưa chứng khoán Việt vô danh sách theo dõi thì MSCI có thể nâng vị trí thị trường của chúng ta lên cao hơn một chút.
Theo tôi nghĩ bây giờ việc tốt nhất vẫn là chính thức được nâng hạng chứ việc được xem xét cũng rất vô chừng. Nhưng ít nhất điều này cũng được gọi là ghi nhận những thành tựu, sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt thời gian qua.
Ông đánh giá ra sao về đợt tăng điểm của thị trường vừa rồi khi đã chinh phục lại được mốc 1.000 điểm?
Thị trường hiện đang trong xu hướng tích cực nhưng bây giờ dòng tiền cần mang tính chất bền vững để vượt qua được vùng kháng cự tiếp theo. Trước tiên là 1.030 điểm, 1.080 điểm và 1.100 điểm. Tôi cho rằng nếu VN-Index đi qua được vùng 1.030 điểm sẽ tiến tới vùng 1.080 điểm. Nhưng tôi nhận thấy là khó bởi vùng 1.080 điểm và 1.100 điểm là vùng kháng cự cực mạnh.
Theo ông đâu là những rào cản lớn tác động tới TTCK Việt hiện nay?
Thứ nhất là yếu tố nước ngoài hiện khá nhiều trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên điều mà người ta lo lắng hơn đó là chiến tranh tiền tệ. Mỹ tăng lãi suất và nhiều nước trên thế giới tăng theo, như thế cả thế giới đi theo chính sách thắt chặt tiền tệ. Thắt chặt tiền tệ thì rõ ràng ảnh hưởng tới TTCK và nền kinh tế.
Việt Nam hiện bị ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố bên ngoài. Chiến tranh thương mại dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn chiến tranh tiền tệ, lãi suất đồng USD. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới chính sách của Việt Nam. Chúng ta không thể nào đứng ngoài cuộc được. Đồng USD tăng giá mạnh đẩy những đồng tiền khác rớt thì Việt Nam theo đó cũng bị ảnh hưởng, nếu chăng thì bị ảnh hưởng ít hơn chứ không thể nói là không bị ảnh hưởng. Những điều đó chắc chắn tác động tới thị trường tài chính.
Liệu có những điểm sáng nào không thưa ông?
Điểm sáng hiện nay đó là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại sau thời gian bán ròng dù lực mua ròng chưa mạnh nhưng cũng đã mang tính chất tích cực hơn. Điểm nữa là thanh khoản trên thị trường đang có xu hướng tăng dần đều lại sau giai đoạn ở mức thấp.
Xin cảm ơn ông!