Song hành cùng áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng đang có dấu hiệu rục rịch tăng sau 2 năm ở mức thấp kỷ lục. Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research đánh giá lãi suất huy động tại các NHTM đã tăng trung bình 0,5% – 1% so với đầu năm cho các kỳ hạn 6 -12 tháng, lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm đã cao ngang mức trước dịch Covid-19 lên 3,54%.
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi TTCK Việt Nam thành lập, NHNN đã có nhiều lần nâng lãi suất chủ yếu qua việc siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Đội ngũ phân tích nhận thấy VN - Index có sự tương quan chặt chẽ với diễn biến lãi suất và điều đó thể hiện qua một số giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1 (2000 – 2003): Lãi suất tăng, thị trường chứng khoán ảm đạm và giảm. Giai đoạn này, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm. Sau thời kỳ giảm phát nhẹ năm 2000 – 2001, chỉ số CPI giai đoạn 2002 – 2003 đã tăng lên và duy trì dưới 5%/năm. Cùng với đó, chính sách lãi suất thả nổi được ban hành năm 2002 tạo nên cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng.
TTCK sau đó rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh khi giảm hơn 66% vào tháng 7/2002 so với mức đỉnh năm 2001. Trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam mới được thành lập với số điểm khởi đầu 100 điểm, đạt đỉnh hơn 500 điểm vào giữa năm 2001 và trượt dài liên tục sau đó xuống mức thấp nhất 130 điểm trong năm 2003. Cũng cần lưu ý là giai đoạn này thị trường còn sơ khai, rất ít doanh nghiệp niêm yết và thanh khoản thấp, vì vậy mức độ biến động giá và chỉ số khá cao.
Giai đoạn 2 (2004 – 2007): Lãi suất duy trì ổn định và ở mức thấp hỗ trợ tốt cho TTCK. Năm 2004, lạm phát đã tăng trở lại với tỷ lệ 9,5% cao hơn so với mục tiêu đặt ra đầu năm (6%). Tăng trưởng tín dụng đã tăng lên gần 42% năm 2004 từ 28% (năm 2003). Trong giai đoạn này, Chính phủ phải tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế, hạn chế đà tăng trưởng nóng. Kết quả năm 2005, mặt bằng lãi suất cơ bản nhìn chung tăng nhẹ và ổn định quanh mức 7,8%. Năm 2006 – 2007, Việt Nam có mức tăng trưởng cao với nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định khi lạm phát ở mức thấp cùng việc chính thức gia nhập WTO (2007) đã góp phần thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp và kiểu hối đổ về trong thời gian ngắn.
Trong giai đoạn này, môi trường vĩ mô thuận lợi đã hỗ trợ thị trường chứng khoán thăng hoa, có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng cổ phiếu niêm yết và giá trị vốn hóa thị trường. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng trung bình 230%/năm (năm 2006 – 2007). Lần đầu tiên, VN-Index chạm mốc 1.000 điểm và đạt đỉnh 1.170 điểm vào năm 2007.
Giai đoạn 3 (2008 – 2009): Mặt bằng lãi suất và lạm phát tăng vọt, nền định giá quá cao là một trong những tác nhân gây ra đổ vỡ thị trường. Trong giai đoạn này, lãi suất sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt trước lo ngại suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu cũng đã hồi phục trở lại. Môi trường vĩ mô bất ổn, lãi suất tăng cao tạo cú sốc cho thanh khoản và khiến dòng vốn rót vào TTCK Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. P/E tới cuối năm 2008 còn khoảng 8 lần từ nền định giá quá cao năm 2007 (P/E đa số doanh nghiệp dao động 30 – 50 lần). Chỉ trong nửa đầu năm 2008, VN – Index đã giảm trên 60%, biên độ dao động giá được điều chỉnh liên tục tới 4 lần trong năm.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất đã nhanh chóng được điều chỉnh giảm dần từ nửa cuối năm 2008 - 2009 trước những lo ngại suy thoái kinh tế, chính sách vĩ mô đã được dịch chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Lạm phát đã giảm xuống 6,5% năm 2009 từ mức cao lịch sử 20% (năm 2008) khiến lãi suất cơ bản năm 2009 được điều chỉnh giảm còn 7% từ mức đỉnh 14%/năm. TTCK đã đảo chiều tăng mạnh ngay sau khi Chính phủ tung gói cứu trợ, kích cầu kinh tế. Đến tháng 11/2009, VN-Index tăng trở lại đạt trên 600 điểm từ mức đáy 235,5 điểm cuối tháng 2. Cùng với đó, vốn hóa thị trường đã tăng gần 3 lần so với cuối năm 2008.
Giai đoạn 4 (2010 – 2013): Lãi suất tiếp tục tăng cao, NHNN phải đặt trần lãi suất huy động 14% đi kèm là sự đổ vỡ của thị trường BĐS khiến TTCK giảm mạnh. Nền kinh tế trong giai đoạn này không mấy thuận lợi dù tăng trưởng tuy có dấu hiệu phục hồi trong năm 2010 nhưng không bền vững, lạm phát đã tăng cao trở lại lên mức 11,8% cuối năm và tiếp tục neo cao trong các năm sau. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được áp dụng khiến các NHTM đẩy mạnh tăng lãi suất huy động sau mức ổn định ở 10 tháng đầu năm 2010 (8%).
Điều này khiến diễn biến trên TTCK trầm lắng và ảm đạm khi khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu liên tục giảm trong giai đoạn 2010 – 2013. Tỷ trọng vốn hóa/GDP từ mức 39% cuối năm 2010 đã giảm xuống 25%. Giá trị trung bình mỗi phiên giao dịch trên mỗi sàn năm 2011 đều sụt giảm mạnh đến xấp xỉ 60% so với năm 2010. Chỉ số VN Index có xu hướng giảm mạnh vào cuối năm 2011, còn 350 điểm từ mức đỉnh 522,59 điểm đầu năm. Thị trường giao dịch không vượt quá 500 điểm trong năm 2012 khi giá cổ phiếu liên tục giảm sàn và chỉ sang năm 2013 khi gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng được ban hành, VN-Index mới có dấu hiệu phục hồi nhẹ đạt 504,63 điểm ở phiên cuối cùng của năm.
Giai đoạn 5 (2014-2021): Mặt bằng lãi suất giảm dần, trong đó giảm sâu trong giai đoạn Covid, tạo sự ổn định vĩ mô và giúp TTCK phát triển.Giai đoạn này, nền kinh tế dần ổn định trở lại sau nỗ lực điều tiết của Chính phủ, khiến lạm phát hạ nhiệt dần, dao động trung bình 2% – 4%/năm. Trong điều kiện thanh khoản khá dồi dào, diễn biến lãi suất tương đối ổn định với mức thấp và ít biến động: mặt bằng lãi suất huy động giảm từ mức cao nhất 20%/năm xuống 6% – 9%/năm trước dịch. Đặc biệt, lãi suất điều hành tiếp tục giảm sâu so với các nước trong khu vực khi dịch Covid bùng phát: NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần từ 1,5% – 2% (đầu năm 2020) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Sang năm 2021, lãi suất tiền gửi huy động chỉ còn 4% – 5%/năm - mức thấp nhất trong 20 năm qua. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát thấp, lãi suất giảm dần và sâu trong giai đoạn dịch đã hỗ trợ mạnh mẽ cho TTCK. Thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt trong giai đoạn dịch 2020 – 2021 lãi suất giảm sâu, chỉ số VN-Index đã nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, và đạt đỉnh 1.500 điểm (T11/2021). VN-Index kết năm tăng 35,4% so với năm 2020. Mức vốn hóa TTCK cũng tăng mạnh 46%, đạt 109% GDP. Quy mô giao dịch mỗi phiên thường đạt mức hơn 1 tỷ USD, tăng trên 200%. Thêm vào đó, từ con số chỉ có 1 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (2014) đã lên tới khoảng 45 doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2021.