Tương tự như phiên trước, thị trường về cuối phiên giao dịch lại vấp phải áp lực bán mạnh và khiến dà tăng của cả hai chỉ số bị thu hẹp lại đáng kể, trong đó, VN-Index tiếp tục thử thách mốc 1.160 điểm thất bại.
Cụ thể, các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, HPG, PVD, GAS, BVH… đều giảm giá khá sâu và tạo ra áp lực lớn lên thị trường. Khép phiên giao dịch, VNM, giảm 1,42% xuống 209.000 đồng/CP. HPG bất ngờ giảm 2,54% xuống 61.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3,4 triệu cổ phiếu sau phiên bùng nổ hôm trước. GAS cũng giảm 1,95% xuống 126.000 đồng/CP.
Trong khi đó, sắc xanh vẫn duy trì khá vũng trên nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng như BID, MBB, VPB… Trong đó, ACB tăng 2,98% lên 48.400 đồng/CP và khớp lệnh 2,55 triệu cổ phiếu. BID tăng 1,92% lên 42.500 đồng/CP và khớp lệnh 1,86 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, MSN bất ngờ tăng mạnh 6,57% lên 100.500 đồng/CP. MWG tăng 2,56% lên 120.000 đồng/CP.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, SCR bất ngờ được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh gần 18,8 triệu cổ phiếu. SPP đã chấm dứt chuỗi 10 phiên giảm sàn liên tiếp bằng việc tăng trần lên 5.700 đồng/CP và khớp lệnh đột biến hơn 4,6 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 275 triệu cổ phiếu, trị giá trên 7.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp trên 800 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,17 điểm (0,01%) lên 1.159,39 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 172 mã giảm và 56 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,18 điểm (0,88%) lên 135,28 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 78 mã giảm và 201 mã đứng giá.
Về cuối phiên sáng, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục đáng kể trở lại. Các mã như ACB, BID, SHB, VPB… đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, ACB vẫn duy trì được mức tăng mạnh 2,6% lên 48.200 đồng/CP. Đáng chú ý, VPB bất ngờ đảo chiều tăng trở lại đến 4,1% lên 66.000 đồng/CP và khớp lệnh 4,7 triệu cổ phiếu. BID cũng tăng 1,6% lên 42.350 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác là FPT, MSN, MWG, SSI… cũng duy trì đà tăng tương đối mạnh và giúp kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. ROS vẫn vững vàng ở mức giá trần 145.700 đồng/CP. SSI tăng 1,1% lên 41.450 đồng/CP và khớp lệnh 3,7 triệu cổ phiếu. MSN tăng 3,71% lên 97.800 đồng/CP.
Tuy nhiên, đà tăng của hai chỉ số vẫn không quá mạnh do vẫn còn nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá như HDB, SAB, VIC, VJC, VNM, NTP…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm bất động sản vừa và nhỏ giao dịch vẫn khá tích cực. Các mã như NVT, DXG, NVL, NTL… đều đồng loạt tăng. Trong đó, NVT được kéo lên mức giá trần 5.780 đồng/CP. NVL tăng 2,02% lên 86.000 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường ở mức tương đương phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 155,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 4.100 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,57 điểm (0,39%) lên 1.163,79 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 155 mã giảm và 90 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,2 điểm (0,9%) lên 135,3 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 63 mã giảm và 246 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch mới với những diễn biến không mấy tích cực từ thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã đồng loạt giảm vào thứ hai khi các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo đã khiến chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất trong 6 tuần trở lại đây. Cụ thể, Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 1,8% xuống hơn 7,344 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 8/2- do cổ phiếu Facebook giảm tới 6,8%. Chỉ số Dow Jones giảm 335 điểm, đóng cửa ở mức 24.611 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,4% xuống 2.713 điểm với cổ phiếu nhóm công nghệ giảm 2,1%.
Quay trở lại với thị trường trong nước, ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc đỏ đã bao trùm lên phần lớn các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. Các mã như BID, CTG, GAS, SAB… đều đồng loạt giảm. SAB giảm sâu 2,2% xuống 220.000 đồng/CP. BID giảm 1% xuống 41.300 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, ACB đang tăng mạnh lên 48.000 đồng/CP. Hôm nay là ngày GDKHQ để ACB thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. ACB chính là động lực giúp kéo chỉ số HNX-Index lên trên mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như BVH, FPT, ROS, PLX, PVS, MSN, VPB… đang tăng giá và giúp kìm hãm lại đà giảm của VN-Index. Đáng chú ý, ROS đang có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp và dư mua giá trần hơn 240 nghìn cổ phiếu.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index giảm 0,61 điểm (-0,05%) xuống 1.158,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 21 triệu cổ phiếu, trị giá 659 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,63 điểm (0,46%) lên 134,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 18,5 triệu cổ phiếu, trị giá 274 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp rung lắc trong đầu phiên giao dịch, nhưng đà tăng có thể cũng sẽ nhanh chóng quay trở lại thị trường. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và các chỉ số chính vẫn đang trong giai đoạn biến động hẹp. Điểm tích cực SSI Retail Research nhận thấy là nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí vẫn dẫn dắt đà tăng chính của thị trường cho nên dòng tiền sẽ chủ yếu tập trung ở hai nhóm cổ phiếu này và xoay chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao cho nên cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn rất lớn. Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì ở mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và nâng mức cắt lỗ của hệ thống lên mức 1077,29 điểm của chỉ số VN30 và 127,62 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. |