Báo cáo thị trường tiền tệ của SSI Research cho biết, chịu áp lực từ diễn biến quốc tế, tỷ giá USD/VND đã bật tăng mạnh lên vùng giá mới ngay từ đầu tháng 2. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch USDVND trên ngân hàng tăng 40 đồng/USD, lên mức 23.140/23.310 đồng; tỷ giá tự do tăng 50 đồng/USD ở chiều mua vào và 70 đồng/USD ở chiều bán ra, lên mức 23.250/23.270 đồng; tỷ giá trung tâm cũng tăng mạnh, có lúc lên mức đỉnh 23.245 đồng/USD sau đó giảm về 23.224 đồng/USD, tăng 28 đồng/USD trong tháng 2.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USDVND đã nhích tăng 0,27% nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá tại cuối năm 2018. Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019.
Dịch bệnh có thể khiến xuất khẩu giảm nhưng việc nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại tháng 2 ước tính thặng dư 100 triệu USD. Giải ngân FDI tháng 2 là 850 triệu USD, lũy kế 2 tháng đạt 2,45 tỷ USD – giảm 5% so với cùng kỳ 2019.
SSI cho rằng, cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định tuy nhiên tâm lý thận trọng gia tăng, thể hiện là chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra của NHTM, giữa tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng đều giãn rộng.
Trong khi đó, quyết định giảm lãi suất 0,5% của FED làm đồng USD trên thị trường quốc tế hạ nhiệt đồng thời sẽ kéo giảm lãi suất USD trong nước, nới rộng chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng.
"Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND. Diễn biến tỷ giá 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%", báo cáo nhận định.