Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang khi cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế quan lên khoảng 1/2 tổng lượng thương mại của hai nước. Mỹ chính thức áp mức thuế 10% lên gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào ngày 24/09/2018, và dự định sẽ tăng mức thuế cho gói hàng này lên 25% từ ngày 01/01/2019. Trung Quốc đáp trả lại bằng gói thuế quan khoảng 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Gói thuế quan lần này của Mỹ chủ yếu nhắm vào hàng điện tử tiêu dùng (trong khi gói thuế quan 50 tỷ USD đầu tiên tập trung vào hàng trung gian và thực phẩm) và sẽ gây bất ổn cho chuỗi cung ứng hàng điện tử.
Ông Chua Hak Bin cho rằng, Việt Nam là một nước phụ thuộc xuất khẩu và sẽ chịu tác động bởi sự “rối loạn” trong chuỗi cung ứng. Nhưng Việt Nam nổi lên là quốc gia hưởng lợi nhờ luồng thương mại và đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan.
Đồng NDT của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn nếu cuộc chiến thương mại leo thang, đặc biệt nếu mức thuế Mỹ áp cho danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc tăng lên 25% từ ngày 01/01/2019. Qua đó, đồng VND cũng sẽ giảm nhưng ở mức độ thấp hơn.
Theo ông Chua Hak Bin, tiền VND yếu sẽ giúp giảm tải áp lực tiêu cực từ chiến tranh thương mại và tính cạnh tranh từ đồng NDT. Hầu hết các đồng tiền của các nước trong Asean khác cũng sẽ giảm giá nếu đồng NDT giảm giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang ở vị thế tài chính mạnh nhờ vào dự trữ ngoại hối tích lũy lớn (đến cuối tháng 4/2018 dự trữ ngoại hối Việt Nam hơn 63,5 tỷ USD). Vì vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước phải bán ra thêm 3-5 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối nhằm ổn định tiền VND, giữ tiền VND giảm giá nhẹ là một quyết sách phù hợp và không có gì lo lắng.
“Việt Nam nên tập trung tận dụng cơ hội này để tăng thu hút đầu tư nước ngoài và hợp đồng thương mại, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến tăng trưởng và sức mạnh đồng tiền” – ông Chua Hak Bin nhận định.