Lĩnh vực sản xuất tiếp tục mở rộng
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2021 giảm 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước có nguyên nhân chính là thời điểm tháng 1 năm ngoái trùng với lịch nghỉ Tết Âm lịch, do đó sản lượng công nghiệp trong kỳ đó đạt mức thấp.
Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 1/2021 giảm nhẹ xuống 51,3 điểm từ mức 51,7 điểm của tháng 12/2020, tuy nhiên vẫn nằm trên mức 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng trong tháng vừa qua.
Đối với các phân ngành nhỏ hơn, VNDIRECT nhìn thấy một số ngành tăng trưởng tích cực trong kỳ như sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 18,9% so với tháng trước), khai thác than cứng và than non (tăng 6,1% so với tháng trước), sản xuất thiết bị điện (tăng 4,7% so với tháng trước) và sản xuất đồ nội thất (tăng 2,3% so với tháng trước).
Ngược lại, các ngành như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 16,6% so với tháng trước), sản xuất xe có động cơ (giảm 11,4% so với tháng trước), sản xuất điện tử (giảm 5,9% so với tháng trước) và sản xuất thực phẩm (giảm 4,2% so với tháng trước) chứng kiến sự suy giảm hoạt động trong tháng 1/2021.
Ngành dịch vụ tiếp tục cải thiện
Ngành dịch vụ khởi động năm mới tương đối tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2021 đạt 480 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 3,6% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng trưởng tháng 1/2021 đạt 6,7% so với cùng kỳ (tháng 1/2020 tăng 8,0% so với cùng kỳ).
Cụ thể hơn, doanh thu dịch vụ và ăn uống tăng 2,7% so với tháng trước (giảm 4,1% so với cùng kỳ) trong khi doanh thu lữ hành tăng nhẹ 0,7% so với tháng trước (giảm 6,2% so với cùng kỳ). Đây là những phân ngành dịch vụ chịu tác động lớn nhất từ dịch Covid-19 và ghi nhận mức phục hồi tương đối chậm trong thời gian vừa qua. Ở chiều ngược lại, bán buôn bán lẻ tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc với doanh số tăng.
Ở chiều ngược lại, bán buôn bán lẻ tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc với doanh số tăng mạnh 4,1% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ trong khi các dịch vụ khác ghi nhận mức tăng 1,1% so với tháng trước và 7,3% so với cùng kỳ 2020.
Làn sóng lây nhiễm thứ 3 làm gia tăng nhiều yếu tố bất định
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba đã lây lan đến 13 địa phương. Theo đó, VNDIRECT nhận định, đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong hai tháng tới. Như vậy, ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng Covid-19 thứ ba này bởi 2 yếu tố:
Đầu tiên, sự phục hồi của ngành du lịch có thể bị chững lại do làn sóng Covid-19 mới. Báo cáo từ các công ty du lịch và hàng không cho thấy nhiều du khách đã hủy đặt chuyến bay và đặt phòng khách sạn, hoặc tạm hoãn kế hoạch của họ vì sợ bị lây bệnh khi đi du lịch.
Thứ hai, việc phong tỏa thành phố Chí Linh và đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu ở các tỉnh, thành phố khác có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí.
VNDIRECT kết luận, tiềm năng tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2021 và sẽ cần thêm thời gian để quan sát và định lượng các tác động tiềm tàng đối với triển vọng nền kinh tế.
Nhìn chung, nền tảng tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại lớn, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng và áp lực lạm phát giảm; những bước đệm này sẽ giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong lẫn bên ngoài. Teo đó, VNDIRECT giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,1%.