CTCK VnDirect vừa có báo cáo về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo VnDirect, trong nửa đầu năm 2018, Nhà nước đã thu về 28.100 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp, trong đó bao gồm 22.500 tỷ đồng thu về từ các đợt IPOs và 5.600 tỷ đồng từ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ trước.
Tổng số tiền thu về từ các đợt IPOs DNNN trong nửa đầu năm nay đã gấp 4 lần số tiền thu về trong cùng kỳ năm 2017. Kể từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã thu về 198.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN, trong đó năm 2016 thu về 30.000 tỷ đồng, năm 2017 thu về tới 140.000 tỷ đồng (trong đó riêng thương vụ tại Sabeco thu về 110.000 tỷ đồng), và nửa đầu năm 2018 thu về 28.100 tỷ đồng. Tổng số tiền thu về từ 2016 đến nay đã gấp hơn 3 lần số tiền thu về từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong giai đoạn 2011-2015.
Từ 2016 đến nay, tổng số tiền nộp vào ngân sách từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đạt 115.000 tỷ đồng và đã đạt 46% số kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội về thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2020. Con số này cũng cho thấy công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đang đi khá sát với kế hoạch đã đề ra của Quốc hội và Chính phủ.
Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn còn đang ở trước mắt
Đối với công tác cổ phần hóa DNNN, trong số 85 DNNN phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018, mới chỉ có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng đang chậm hơn nhiều so với kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, Chính phủ mới chỉ thoái vốn thành công tại 17 trên tổng số 135 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước của năm 2017. Số doanh nghiệp còn lại do đó bị lùi kế hoạch thoái vốn sang năm 2018 và điều này khiến khối lượng công việc phải thực hiện trong năm 2018 là rất lớn. Tổng số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn nhà nước trong năm 2018 lên tới 181 doanh nghiệp, trong khi 6 tháng đầu năm 2018 mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Do đó, khối lượng công việc còn lại trong năm nay là rất lớn.
Vì vậy, VnDirect cho rằng khả năng hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong năm nay đang gặp thách thức rất lớn.
Chính phủ có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN trong những tháng còn lại của năm 2018
Trong hội thảo "Vietnam M&A 2018" diễn ra vào ngày 8/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh không dưới 3 lần rằng: "Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DNNN đã cổ phần hóa". Theo Phó thủ tướng, kể từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành công tác cổ phần hóa trong giai đoạn 1 nhưng tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này vẫn còn rất lớn. Theo Phó thủ tướng, thực tế Chính phủ mới chỉ thoái vốn được khoảng 8% vốn tại các doanh nghiệp này, một con số còn khá khiêm tốn so với tham vọng đã đề ra.
Liên quan tới công tác thoái vốn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh, Phó thủ tướng đã chia sẻ rằng Chính phủ đang có kế hoạch thực hiện IPO Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trong năm 2019. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh khác như BIDV và Vietcombank thông qua việc cho phép các ngân hàng này lên kế hoạch tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và đảm bảo các chỉ tiêu tài chính khi tiến hành áp dụng chuẩn mực Basel II trong thời gian tới. Nhà nước sẽ không bỏ thêm vốn ngân sách vào các ngân hàng này và điều đó sẽ làm giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại đây. Việc phát hành tăng vốn có thể được thực hiện thông qua hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên quá trình đàm phán giữa ngân hàng và các nhà đầu tư đang gặp một số trở ngại, trong đó vấn đề nổi cộm nhất là sự khác biệt giữa các bên về mức giá chào bán cổ phần.
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ chuyển đổi quyền sở hữu tại các ngân hàng yếu kém (đang bị kiểm soát đặc biệt như OceanBank, CBBank, GPBank) sang cho các nhà đầu tư tiềm năng trong thời gian tới. Trong tương lai, Chính phủ sẽ hạn chế việc cấp giấy phép thành lập mới chi nhánh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại một số ngân hàng trong nước lên tối đa 100% vốn (điều này cũng là dấu hiệu cho thấy Chính phủ có thể đang xem xét nâng trần sở hữu nước ngoài tại một số ngân hàng có chọn lọc lên trên mức trần hiện nay là 30%).
Bên cạnh những phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính cũng có những bước đi để tạo hành lang pháp lý nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN. Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn cho Nghị định 32 Chính phủ ban hành vào đầu năm nay (tháng 3 năm 2018), tạo ra khung pháp lý cụ thể cho việc thực hiện việc bán vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước.
Những dấu hiệu trên cho thấy khả năng Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong thời gian tới.
Nhiều cái tên đáng chú ý nằm trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước cần hoàn thành quá trình cổ phần hóa trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 sắp tới.
Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn.
Một số công ty cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để thoái vốn nhà nước như CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đẩy mạnh quá trình thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và CTCP Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol (VNC).