Trong báo cáo mới được công bố, CTCK VNDIRECT đã đưa ra đánh giá thận trọng với diễn biến tiếp tục phức tạp của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách sẽ khiến cho TTCK khó hình thành một đợt tăng giá vững chắc trong ngắn hạn
Theo VNDIRECT, VN-Index đã sụt giảm mạnh 13,7% từ mức đỉnh do những lo ngại về các tác động tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Thanh khoản bình quân trong tháng 7 cũng sụt giảm 12,8% so với tháng trước đó.
Về hiệu quả đầu tư theo ngành, bán lẻ là ngành có diễn biến giá cổ phiếu tích cực nhất trong tháng 7 với mức tăng bình quân 4,7%, theo sau là ngành công nghệ thông tin (1,4%) và điện (0,5%).
Ngược lại, ngành dầu khí, ngân hàng và thép là 3 nhóm có diễn biến giá tiêu cực nhất trong tháng, với mức giảm đều mạnh hơn tốc độ điều chỉnh của VN-Index.
Tín hiệu tích cực từ giao dịch của khối ngoại trong tháng 7 khi mua ròng 4.581 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ dòng tiền của các quỹ ETF, đặc biệt là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF. Tuy vậy, tính từ đầu năm 2021, khối ngoại vẫn bán ròng 26.040 tỷ đồng. NVL, VHM và STB là những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong tháng qua; còn ở phía ngược lại, HPG, CTG và VNM bị rút ròng mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm.
"Định giá trở nên hấp dẫn, đã đến lúc thích hợp để lựa chọn cổ phiếu cho năm 2022"
Nhận định về triển vọng thị trường tháng 8, VNDIRECT đánh giá, mặc dù thanh khoản giảm song vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường. Lượng tiền gửi tại các CTCK cuối quý 2 vẫn đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 32,3% so với thời điểm cuối quý 1/2021. Điều này cho thấy nhà đầu tư luôn chực chờ gia nhập thị trường một khi cơ hội xuất hiện, và đây là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 2/8, 700 công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, tương ứng gần 40% tổng số cổ phiếu và 85% tổng vốn hóa toàn thị trường. VNDIRECT ước tính, lợi nhuận ròng của toàn doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn rất tích cực, tăng 66% so với cùng kỳ. Chỉ tính trên các doanh nghiệp đã công bố KQKD, mức tăng lợi nhuận ròng lên tới 75,3%.
Tính đến ngày 29/07/2021, P/E của chỉ số VN-Index ở mức 16,5 lần, tương đương với mức bình quân 5 năm lịch sử và thấp hơn mức đỉnh hồi năm 2018 là 22,2 lần. VNDIRECT ước tính P/E forward 2021 là 15,8 lần - mức định giá rất hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023. Do đó, hiện tại đã đến lúc thích hợp để lựa chọn cổ phiếu cho năm 2022 khi định giá hiện tại đang khá hấp dẫn so với thời điểm cuối tháng 6 cũng như so với mặt bằng khu vực.
VNDIRECT dự báo, chỉ số VN-Index sẽ giao dịch trong vùng 1.250-1.350 điểm trong tháng 8; trong đó vùng 1.250-1.270 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh. VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ, ưu tiên những cổ phiếu dẫn đầu thuộc những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong thời gian tới như Bất động sản, Bán lẻ, Logistic.