Giá dầu đang ở trong “môi trường không thể đoán định”
Theo báo cáo mới của VNDIRECT, trong bối cảnh thị trường dầu thô toàn cầu thắt chặt do thiếu hụt đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn trong nhiều năm, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, khiến giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3.
Nguồn: BLOOMBERG, VNDIRECT
Sau đó, giá đã giảm trở lại xuống quanh mốc 100 USD/thùng, do những lo ngại về ảnh hưởng đối với nền kinh tế, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc và các nhà giao dịch giảm vị thế trước sự biến động mạnh của giá dầu. Theo các chuyên gia của VNDIRECT, giá dầu Brent dự kiến sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do những sự kiện bất ổn trên phạm vi toàn cầu.
Cụ thể, một số các sự kiện quan trọng đang tạo thêm những bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu:
Sự kiện | Tác động lên giá dầu | Nhận định |
---|---|---|
Lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị tại Ukraine | +++ | Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê-út với sản lượng xuất khẩu dầu thô và condensate vào khoảng 5 triệu thùng/ngày. Do đó, giá dầu sẽ tăng mạnh nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, điều có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với ngành năng lượng của Nga. Hiện đã có một số các biện pháp trừng phạt áp đặt lên ngành năng lượng của Nga, chẳng hạn như: (1) lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của Mỹ, (2) hạn chế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, hay (3) các biện pháp trừng phạt tài chính đối với hoạt động giao dịch năng lượng (một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT) |
OPEC không đạt mục tiêu sản lượng | ++ | Mặc dù bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng, OPEC đã không đạt được mục tiêu trong nhiều tháng qua, gây ra tình trạng thắt chặt trên TT dầu thô hiện nay. Mặc dù sản lượng của OPEC đã tăng trong tháng 2, nhưng OPEC vẫn đang bơm ít hơn so với thỏa thuận, kéo theo đó là tỷ lệ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC đạt 136% vào tháng 2 |
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng dần | - | EIA dự báo sản lượng dầu đá phiến tại bể Permian sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Chúng tôi cho rằng việc sản lượng dầu thô của Mỹ tăng dần sẽ giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt của TT dầu thô vào cuối năm 2022 |
FED nâng lãi suất điều hành | - - | Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %. Các quan chức cũng báo hiệu rằng họ dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức gần 2% vào cuối năm nay. Chính sách thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả hàng hóa, bao gồm giá dầu |
Trung Quốc tăng cường các biện pháp phong tỏa | - - - | Sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron đã khiến nhà chức trách Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phong tỏa, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, chiếm ~15% tổng lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu |
Sự hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran | - - - | Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là giải pháp khả thi nhất để hạ nhiệt giá dầu trong ngắn hạn vì nó sẽ kéo theo sự trở lại của nhà xuất khẩu dầu thô Iran với sản lượng bổ sung lên tới 1 triệu thùng/ngày. Một thỏa thuận tiềm năng để hồi sinh thỏa thuận năm 2015 hiện đã gần kề và các bên đang giải quyết những trở ngại cuối cùng liên quan đến mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga |
Nguồn: EIA, VNDIRECT
Nguồn: EIA
Về cơ bản, giá dầu Brent sẽ tái cân bằng trong một vài tháng tới (quanh mốc 100 USD/thùng) khi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine hạ nhiệt.
Sau đó, giá dầu có khả năng giảm dần cho đến cuối năm 2022, khi nguồn cung bổ sung đến từ Iran, Mỹ và OPEC có thể bắt kịp nhu cầu, dẫn đến giá dầu Brent trung bình là 90 USD/thùng vào năm 2022 theo kỳ vọng của VNDIRECT. Đáng chú ý, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ sẽ đạt mức trước dịch từ quý cuối cùng của năm 2022.
Cần chuyển trọng tâm đầu tư sang triển vọng dài hạn hơn
Trong bối cảnh thị trường năng lượng biến động mạnh, VNDIRECT cho hay, nhà đầu tư nên hướng sự chú ý vào các cổ phiếu Dầu khí ít nhạy cảm hơn với giá dầu, và có thể hưởng lợi từ những câu chuyện dài hạn của ngành. VNDIRECT nhận thấy một số xu hướng đang nổi lên để định hình triển vọng của ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.
Đầu tiên, một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị điên khí LNG đã được công bố gần đây, khiến LNG trở thành phân khúc hứa hẹn nhất trong vài năm tới.
Cùng với kỳ vọng vào sự phát triển các mỏ khí lớn, VNDIRECT nhận thấy nhập khẩu LNG là biện pháp khả thi để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng nhanh chóng tại các mỏ khí hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở Việt Nam. Sản xuất điện hiện đang tiêu thụ ~80% tổng sản lượng khí tại Việt Nam.
Theo Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng LNG cho cả nhập khẩu và tiêu thụ, biến các nhà máy điện khí thành nguồn cung cấp điện quan trọng cho đến năm 2030 (chiếm 26% tổng công suất hệ thống năm 2030 từ mức 11% hiện tại).
Hiện tại, kho cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ hoạt động trong nửa cuối năm 2022, đánh dấu một trong những dự án liên quan đến LNG đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam. LNG Thị Vải sẽ bổ sung nguồn cung khí cho các khách hàng tại khu vực Đông Nam Bộ, trước khi cung cấp cho hai nhà máy điện khí mới tại Nhơn Trạch vào cuối năm 2024.
Thứ hai, việc mở cửa lại bầu trời là tín hiệu tốt cho việc phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh.
Gần đây nhất, ngày 15/02/2022, Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế tần suất các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Điều này có thể giúp hoạt động hàng không quốc tế của Việt Nam trở lại hoạt động bình thường trong nửa cuối 2022, mang lại lợi ích cho các nhà phân phối nhiên liệu máy bay.
Hơn nữa, VNDIRECT cho rằng tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong những năm tới, tạo dư địa cho doanh nghiệp dẫn đầu ngành có thể tăng trưởng trong dài hạn.
Cuối cùng, rủi ro giảm giá đến từ giá dầu giảm, tiến độ các dự án năng lượng lớn tiếp tục bị trì hoãn và sự xuất hiện của các biến chủng phức tạp mới có thể cản trở nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam