Là công ty thực phẩm đa mảng và hiện đang sở hữu 30% thị phần dầu ăn và 43,5% thị phần ngành kem tính đến cuối năm 2020, Tập đoàn KIDO (KDC) đang tiếp tục hướng đến việc gia tăng sở hữu tại CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC) trong tương lai.
Theo tính toán của VNDirect tại váo cáo mới nhất, KDC dự kiến sẽ gia tăng thị phần mảng dầu ăn lên mức 36%. Tương ứng, doanh thu từ mảng dầu ăn dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép 8,9% trong giai đoạn 2021 - 2024, đóng góp khoảng 80% vào tổng doanh thu của KDC.
Với việc đầu tư và sở hữu 3 công ty dầu ăn gồm Tường An (TAC), Vocarimex (VOC) và KIDO Nhà Bè, KDC hiện đứng thứ 2 trong ngành dầu ăn tại Việt Nam với thị phần khoảng 30%. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ sở hữu của KDC tại TAC là 75%, KIDO Nhà Bè là 76%, VOC 51% và Calofic 24% (thông qua VOC).
Hiện, doanh thu từ mảng dầu ăn của KDC chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng doanh thu của KDC, tăng từ 78,7% năm 2017 lên 84,5% năm 2020. Đóng góp của lợi nhuận gộp từ mảng dầu ăn vào tổng lợi nhuận gộp của KDC cũng tăng từ 45,1% trong năm 2017 lên mức 55,3% trong năm 2020.
Doanh thu của KDC (tỷ đồng) theo hoạt động kinh doanh từ 2017 - 2020
Trong đó, TAC là công ty có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu ăn, đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn với 2 thương hiệu nổi tiếng là dầu Tường An và dầu Tường An Premium, được phân phối qua hơn 450.000 điểm bán lẻ của KDC.
Mặt khác, VOC là công ty cung cấp nguyên liệu dầu thực vật cho ngành sản xuất sữa, bánh kẹo, thủy sản (dầu olein, shortening, dầu đậu nành tinh luyện, dầu đậu nành thô ...), cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất dầu thực vật (dầu olein, dầu thô dầu đậu nành, dầu đậu nành tinh luyện ...), xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Campuchia ... (dầu mè, dầu đậu nành tinh luyện, dầu đậu nành thô, dầu ăn...). Việc sáp nhập VOC vào KDC sẽ tối ưu hóa nguồn nguyên liệu và chi phí khi VOC là nhà cung cấp dầu ăn cho 30% thị trường, cũng như cải thiện chi phí quản lý và điều hành khi tỷ lệ sở hữu của VOC tại SCIC sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, KDC dự tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A trong những năm tới để gia tăng thị phần trong ngành dầu ăn cũng như cải thiện chuỗi cung ứng trong KDC.
Từ năm 2021, VNDirect kỳ vọng KDC có thể (i) đấu giá thành công để tăng tỷ lệ sở hữu tại VOC từ 51% lên 87,3%, qua đó sáp nhập TAC vào KDC; (ii) tiếp tục quá trình tái cơ cấu để nâng cao sức mạnh của KDC bằng cách nâng cao hiệu quả và giảm lợi ích cổ đông thiểu số để tăng lợi nhuận ròng của KDC.
Về ngành, giai đoạn 2014 - 2019, doanh thu ngành dầu ăn có sự tăng trưởng nhẹ qua các năm ở mức khoảng 5% mỗi năm. Ngành dầu ăn ghi nhận doanh thu bán lẻ đạt 30.974 tỷ đồng trong năm 2019. Hiện tại, ngành dầu ăn gồm các sản phẩm đa dạng như dầu ô liu, dầu ngô, dầu cọ, dầu hạt cải, dầu đậu nành... Các sản phẩm dầu ăn trên thị trường thường được phân phối thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hóa trên cả nước.
Tính đến năm 2019, doanh thu bán lẻ từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống chiếm 90,2% tổng doanh thu. Tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2014 - 2019 do người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tại các kênh thương mại hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, dựa trên số liệu của Euromonitor, dự báo quy mô ngành dầu ăn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,6% để đạt tổng doanh thu khoảng 46.700 tỷ đồng trong năm 2024.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, người Việt Nam tiêu thụ dầu ăn bình quân 16,2-17,4kg/người/năm và đến năm 2025 là 18,6-19,9kg/người/năm.
Quy mô thị trường dầu ăn tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2024 (ngàn tỷ đồng)