CTCK VNDIRECT vừa có báo cáo đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi tới Việt Nam.
Theo VNDIRECT, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang trải qua sự bất ổn tài chính do Mỹ tăng lãi suất và ảnh hưởng của đồng USD phục hồi. Sự bất ổn định lộ rõ khi đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và peso Argentina lần lượt giảm 62,6% và 105,2% kể từ đầu năm.
Nền tảng cơ bản yếu, với lạm phát cao và thâm hụt ngân sách đã góp phần làm giảm niềm tin vào các nền kinh tế này và gia tăng lo ngại khủng hoảng có thể lan rộng sang các thị trường mới nổi và cận biên trong chu kỳ tín dụng thắt chặt trên toàn cầu.
Như trong bảng dưới đây, đa phần các chỉ số của Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đều cho thấy mức độ dễ tổn thương với môi trường thắt chặt tiền tệ. Đối với các nước mới nổi và cận biên tại châu Á, VNDIRECT cho rằng thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát cao là nguyên nhân khiến cho đồng nội tệ giảm giá mạnh.
Riêng đối với Việt Nam, VNDIRECT đánh giá rủi ro là khá thấp nhờ nền tảng cơ bản vững chắc hơn Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ít bị tổn thương hơn các nền kinh tế mới nổi khác như Indonesia, Philippines và Ấn Độ do cán cân thương mại lành mạnh hơn.
Cụ thể, lạm phát thông thường của Việt Nam trong tháng 9 giảm xuống dưới 4,0% từ mức 4,5% trong tháng 6/2018, do nhà điều hành yêu cầu giảm giá dịch vụ y tế. Mặc dù nhận thấy áp lực lạm phát lan rộng sang cả giá thực phẩm và vận tải nhưng VNDIRECT vẫn kỳ vọng sự thắt chặt chính sách tiền tệ và kiểm soát của NHNN sẽ giữ lạm phát ở mức cho phép trong năm nay (lạm phát mục tiêu của NHNN ở mức dưới 4%). Mức lạm phát này thấp hơn nhiều so với tại Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chỉ số khác về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế cho thấy bức tranh trái chiều. Cụ thể, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn các nước khác về nợ nước ngoài và số tháng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các khoản vay ưu đãi chiếm đến khoảng 40% nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh.
Về số tháng nhập khẩu, quy tắc thông thường vẫn được sử dụng để tính dự trữ an toàn cho rằng các quốc gia nên dự trữ tương đương với 100% các khoản nợ ngắn hạn hoặc tương đương giá trị nhập khẩu 3 tháng. Nhưng đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào FDI và hoạt động trong phân khúc cuối của chuỗi giá trị sản xuất như Việt Nam, VNDIRECT cho rằng yêu cầu 3 tháng nhập khẩu tương đối khắt khe bởi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam. Nếu xuất khẩu tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại leo thang thì nhập khẩu cũng sẽ theo đó giảm xuống, vì vậy sẽ giảm bớt rủi ro về khủng hoảng cán cân thanh toán.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina đều không phải là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, vì vậy việc đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và peso Argentina mất giá sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, Argentina lại là thị trường nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam về ngô và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, lần lượt chiếm 50,8% và 46,2% tổng nhập khẩu của 2 sản phẩm này vào Việt Nam trong năm 2017. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước (như Dabaco) có thể hưởng lợi từ việc đồng peso mất giá, và do đó giảm chi phí sản xuất. Vì cả Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đều không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu ở mức độ lớn ở các mặt hàng dệt may, thép, điện tử nên VNDIRECT cho rằng việc mất giá tiền tệ sẽ không làm cho Việt Nam bị các nước này giành mất thị phần xuất khẩu.