Công ty chứng khoán VNDIRECT mới công bố báo cáo cập nhật vĩ mô với tiêu đề "Nền kinh tế dần đi vào quỹ đạo phục hồi".
Theo báo cáo, về tăng trưởng từng phân ngành, những phân ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhất bao gồm hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng (+43,0% svck), khai thác than cứng và than non (+19,3% svck), sản xuất quần áo (+10,3% svck), sản xuất kim loại cơ bản (+7,4% svck), dệt may (+6,8% svck), sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh luyện (+6,8% svck).
Ngược lạ, báo cáo cũng chỉ ra sự sụt giảm hoạt động trong sản xuất phương tiện vận tải khác (-28,2% svck), sản xuất đồ uống (-22,0% svck), khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (-19,4% svck), sản xuất xe có động cơ (-18,6% svck) và khai thác quặng kim loại (-16,5% svck).
Nguồn: TCTK, VNDIRECT
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm trong tháng 10 sau khi chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hai tháng qua. Theo TCTK, vốn đăng ký của các dự án FDI trong tháng 10 giảm 47,5% sv tháng trước (-30,0% svck) xuống 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên vốn đăng ký của các dự án FDI trong 10 tháng đầu năm tăng lên mức 23,7 tỷ USD (+1,1% svck). Cụ thể, có 1.375 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký là 13 tỷ USD, tăng 11,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020; 776 dự án đã cấp phép từ các năm trước được chấp thuận điều chỉnh vốn đầu tư (FDI tăng thêm) với tổng vốn tăng thêm là 7,1 tỷ USD (+24,2% svck).
Nguồn: TCTK, VNDIRECT
Hơn nữa, còn có 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,6 tỷ USD, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2020. Về vốn giải ngân, vốn thực hiện của các dự án FDI tăng 10% lên 1,9 tỷ USD. Do đó, vốn thực hiện của các dự án FDI trong 10 tháng đầu năm 2021 được nâng lên 15,2 tỷ USD, giảm 4,1% svck (so với mức giảm 2,5% trong 10 tháng đầu năm 2020).
Danh sách các dự án FDI lớn trong 10T21. Nguồn: VNDIRECT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Liên quan đến các gói kích thích kinh tế, báo cáo cho hay, nhiều khả năng chính sách tài khóa sẽ tiếp tục được mở rộng. Tính tới thời điểm hiện tại, quy mô giải ngân của các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam chỉ tương đương 2,85% GDP (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.
Cụ thể, Nhật Bản (56,1% GDP), Đức (39,3% GDP), Ý (37,7% GDP), Hoa Kỳ (26,5% GDP), Pháp (23,8% GDP), Vương quốc Anh (17,8% GDP) và các nền kinh tế châu Á khác như Ấn Độ (8,6% GDP) ), Indonesia (7,9% GDP) và Trung Quốc (4,7% GDP).
Các chuyên gia VNDIRECT ước tính rằng, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ ở mức khoảng 45% GDP (GDP được tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.
Chỉ số nợ công thấp hơn so với mức cảnh báo (chiếm 55% GDP). Nguồn: TCTK, VNDIRECT
Do lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, Chính phủ có thể tung thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp), tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội.
Báo cáo kỳ vọng rằng quy mô của các gói kích thích kinh tế bổ sung có thể lên tới 3-4% GDP và nếu được thông qua sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Cuối cùng, trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế, VNDIRECT giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 2% trong kịch bản cơ sở.
Tăng trưởng GDP năm 2021 theo ngành trong kịch bản cơ sở (% svck). Nguồn: VNDIRECT, TCTK
Lý giải về điều này, báo cáo cho hay, một số điểm nghẽn đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, bao gồm:
(1) Nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức thấp trong Q4/21 do thu nhập của người dân sụt giảm khi đại dịch kéo dài.
(2) Nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vẫn thiếu hụt lao động.
(3) Số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 có thể cản trở quá trình mở cửa kinh tế.