Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo nhận định về ngành ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hệ thống đạt mức 13-14% năm 2021 khi GDP tăng 6,5% năm 2021. Nhu cầu quốc tế phục hồi thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nửa cuối năm 2021, sau khi các nền kinh tế phục hồi nhờ các gói kích cầu và quy trình tiêm chủng hiệu quả. Các nước kỳ vọng sẽ mở cửa biên giới trong quý III và khuyến khích người dân quay trở lại làm việc trong điều kiện an toàn hơn, giúp tăng nhu cầu tiêu dùng nhờ thu nhập được cải thiện.
Lãi suất cho vay thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay thúc đẩy các doanh nghiệp vay thêm các khoản vay mới để phục vụ hoạt động. VNDirect dự báo các doanh nghiệp sản xuất sẽ quay lại đạt công suất hoạt động tối đa trong quý III khi làn sóng Covid-19 thứ tư này được kiểm soát.
Du lịch và dịch vụ được dự báo sẽ dần phục hồi từ quý IV khi Việt Nam có thể tiếp cận 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% người trưởng thành, giúp bình thường hóa cuộc sống và mở cửa biên giới.
Tăng trưởng dư nợ vay của các ngân hàng, chiếm một nửa tín dụng hệ thống, có thể vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp cho năm 2021 do kết quả từ việc mở rộng nhanh chóng trong quý I và 5 tháng.
Một số ngân hàng có nhiều lợi thế hơn trong việc tận dụng từ sự phục hồi kinh tế nói chung cũng như từ sự phục hồi ngành sản xuất và dịch vụ nói riêng. Thứ nhất là nhóm có tập khách hàng phong phú và đa dạng như Vietcombank, VietinBank, MB, ACB. Thứ hai là nhóm có nguồn vốn dồi dào với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như Techcombank, Vietcombank, MB. Nguồn vốn giá rẻ và dồi dào cho phép các ngân hàng này cung cấp tín dụng cho khách hàng với lãi suất cho vay cạnh tranh.
|
Các ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ duy trì trong nửa cuối năm 2021 để hỗ trợ nền kinh tế cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định.
Trong khi lãi suất liên ngân hàng tăng vào tháng 4 và tháng 5, VNDirect tin rằng điều này là do các ngân hàng tận dụng nguồn vốn rẻ hơn. Thực tế, lãi suất liên ngân hàng ổn định trong quý I khi tín dụng hệ thống tăng trưởng mạnh, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng vào cuối quý I, ngoại trừ VietinBank và BIDV, tiếp tục không vượt quá mức 80%, so với mức trần 85%. Lãi suất liên ngân hàng đảo chiều vào tháng 6. Về lợi suất tài sản, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng để phục hồi sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản.
Ngân hàng với các lợi thế tỷ lệ CASA cao như Vietcombank, MB, Techcombank và còn nhiều dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, VietinBank có lợi thế cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
|
Về chất lượng tài sản, quý I được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết là 1,4% vào cuối quý I, tương đương mức cuối năm 2020, nhưng thấp hơn mức 1,7% vào cuối quý I/2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) tăng lên 112,5% vào cuối tháng 3 từ mức 106,4% vào cuối năm 2020, cải thiện nhiều so với tỷ lệ 86,5% cuối quý I/2020.
Techcombank, Vietcombank và ACB vẫn giữ vị trí dẫn đầu về chất lượng tài sản tốt nhất với nguồn dự phòng dồi dào. VNDirect kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ được cải thiện vào cuối năm 2021. Nhờ nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp trở lại hoạt động và thanh toán các nghĩa vụ nợ, hạn chế nợ xấu tăng cao. Ngân hàng có lợi thế về tập khách hàng đa dạng, tỷ lệ cho vay thấp/trung bình đối với các lĩnh vực rủi ro cao, như cho vay tín chấp và mức độ cho vay tập trung thấp, sẽ có nhiều cơ hội hơn để nâng cao chất lượng tài sản.