Trong Báo cáo chiến lược thị trường tháng 3 mới công bố, VNDirect đưa ra ba sự kiện khủng hoảng có thể tác động đến thị trường chứng khoán trong tháng 3/2022.
Khủng hoảng 1: Ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine
Theo thống kê từ VNDirect, thị trường chứng khoán (đại diện bởi chỉ số S&P 500) phản ứng tiêu cực với chiến tranh và căng thẳng địa chính trị trong ngắn hạn, chạm đáy trong khoảng 2-3 tuần sau khi một sự kiện diễn ra. Tuy nhiên, thị trường đã sớm phục hồi sau đó và ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 2,5% trong 3 tháng sau một sự kiện và tăng trưởng trung bình 7,3% trong một năm sau một sự kiện.
Nhìn về chứng khoán Việt Nam, VNDirect nhận thấy tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu khi bắt đầu khủng hoảng, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán về lâu dài. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt.
Khủng hoảng 2: Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ
Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng FED có thể nâng lãi suất điều hành ít nhất 125 điểm cơ bản vào năm 2022, từ T3/2022. Theo thống kê lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ (đại diện bởi chỉ số S&P 500) vẫn tăng trưởng trong phần lớn các chu kỳ tăng lãi suất của FED, với lợi tức trung bình hàng năm khoảng 4,4% (thể hiện trong hình bên trái ở trên).
Theo đó, các ngành thường có diễn biến tích cực sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED bao gồm Truyền thông, Năng lượng, Bất động sản, Tiện ích và Vật liệu. Ngược lại, các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng không thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và công nghệ hoạt động kém hơn so với thị trường chung trong ba tháng sau đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED.
Theo đánh giá của VNDirect, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của "taper tantrum". Tuy nhiên, khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi (1) Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và (2) đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất trên thế giới khi theo đuổi chiến lược Trung Quốc+1; (3) dòng vốn trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.
Từ những yếu tố trên, nhóm phân tích VNDirect tin rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khó có thể gây ra sự điều chỉnh "đáng kể" trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2022.
Khủng hoảng 3: Tác động tổng hợp của giá năng lượng và hàng hóa tăng cao
Theo phân tích của VNDirect, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể khiến giá cả hàng hoá đối với các ngành niêm yết của Việt Nam biến động mạnh. Cụ thể, cuộc khủng hoảng quân sự đã đẩy giá dầu lên mức 99 USD/thùng vào 24/2 và giá dầu Brent có thể đạt đỉnh 105-110 USD trong tương lai gần, sau đó hạ nhiệt xuống 90 USD nhờ nguồn cung bổ sung từ Mỹ, Iran và OPEC. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác có giá biến động mạnh sau căng thẳng giữa Nga – Ukraine bao gồm phân urê, dầu ăn, than, lúa mì, ngô,...
VNDirect đưa ra 4 nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp bởi sự kiện này. Hưởng lợi nhất là dầu khí khi giá dầu dự báo tăng mạnh trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Theo đó, không chỉ thúc đẩy tâm lý giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện triển vọng của ngành trong dài hạn vì nó có thể thúc đẩy các hoạt động Thăm dò & Khai thác (E&P), củng cố nền tảng của ngành. Bên cạnh đó, ngành thép, phân bón và thuỷ sản cũng được đánh giá hưởng lợi tích cực khi những căng thẳng tại Ukraina tiếp diễn.
Ngoài những tác động tích cực, VNDirect cũng đánh giá ngành dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, hàng không, điện khí và nhiệt điện sẽ có những diễn biến tiêu cực trước cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tuy chứng khoán tháng 3 có nguy cơ đối diện với nhiều thông tin tiêu cực, song VNDirect tin rằng “trong nguy có cơ” và triển vọng trong trung và dài hạn của thị trường vẫn còn rộng mở. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới.