CTCP Chứng khoán VNDirect (mã VND) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2022 với doanh thu hoạt động đạt hơn 1.837 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 871,4 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu tăng 73% so với cùng kỳ lên mức 423 tỷ đồng trong khi doanh thu môi giới giảm 11% xuống còn 329,7 tỷ đồng.
Trong quý 2, chi phí hoạt động cũng tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ lên mức 868,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 146% và 32% so với quý 2/2021. Kết quả, VNDirect lãi trước thuế 646,9 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 35% so với cùng kỳ lên hơn 524 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC VNDirect
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.603 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 67% và 41% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về hơn 1.286 tỷ đồng, cũng tăng 42% so với nửa đầu năm ngoái.
Thời điểm 30/6, tổng tài sản của VNDirect đã tăng gần 7.500 tỷ đồng so với đầu năm lên 44.343 tỷ đồng. Trong đó, các khoản FVTPL đã tăng 8.700 tỷ đồng lên mức 20.978 tỷ đồng chủ yếu đến từ trái phiếu doanh nghiệp (tăng 5.139 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (tăng 3818 tỷ đồng). Chiều ngược lại, CTCK này đã giảm mạnh quy mô danh mục cổ phiếu niêm yết từ 1.155,9 tỷ đồng hồi cuối quý 1 xuống 775 tỷ đồng vào cuối quý 2 trong đó chủ yếu là VPB.
Cổ phiếu PTI vẫn là cái tên gồng gánh danh mục của VNDirect khi ngược dòng thị trường trong quý 2 đầy biến động. Cổ phiếu này hiện đang tạm lãi hơn 680 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Dù vậy, các cổ phiếu khác tỷ trọng lớn trong danh mục như HSG, MWG, NLG đều đang lỗ. Đáng chú ý, VNDirect đã mua thêm một lượng lớn cổ phiếu HSG trong quý vừa qua để nâng sở hữu lên hơn 200 tỷ đồng vào cuối tháng 6 và đang tạm ghi lỗ gần 50 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Nguồn: BCTC VNDirect
Trong quý 2 vừa qua, các khoản cho vay của VNDirect đã giảm mạnh 5.500 tỷ đồng xuống mức 11.664 tỷ đồng trong đó dư nợ vay margin giảm 4.850 tỷ đồng xuống còn 11.229 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn thấp hơn 3.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ngược lại, các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới một năm lại tăng gần 2.600 tỷ đồng so với đầu năm.