Nhiều khoản đầu tư vào công ty liên kết của VNG đang chịu cảnh thua lỗ (Ảnh minh họa)
Đầu tư vào 3 công ty liên kết, chỉ 1 có lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính quý IV riêng và hợp nhất năm 2017 được Công ty cổ phần VNG công bố, quý IV.2017, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNG đạt hơn 1.089 tỷ đồng. Cả năm 2017, doanh thu của VNG tăng 41% so với năm 2016, đạt hơn 4.267 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần của VNG chủ yếu đến từ hoạt động cung cấp trò chơi.
Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế của VNG trong quý IV.2017 chỉ đạt 125,9 tỷ đồng, thấp hơn gần 3 lần so với quý IV.2016 khi công ty này đạt tổng lợi nhuận 304,06 tỷ đồng trước thuế.
Song tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VNG đã đạt 1.141 tỷ đồng, tăng 70% so với con số 673,7 tỷ đồng năm 2016. Con số lợi nhuận này cũng giúp VNG vượt kế hoạch năm 25%.
VNG đã chịu lỗ 218 tỷ đồng từ việc đầu tư vào Ti Ki
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2017 của VNG là khoản lỗ trong các công ty liên kết đã đã tăng từ 89,7 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2017 lên hơn 122 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Trong số các khoản đầu tư vào công ty liên kết, tính tới cuối năm 2017, VNG đang đầu tư vào 3 công ty liên kết là ABA - All Best Asia Group (50%), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ truyền thông Thanh Sơn (49%) và Ti Ki (38%).
Tuy nhiên, triển vọng đầu tư không mấy sáng sủa. Cụ thể, với khoản đầu tư vào website thương mại điện tử Tiki.vn. Dù đã xuất hiện nhiều thông tin về việc dịch vụ này nhận được đầu tư lớn từ các đối tác nước ngoài nhưng đến cuối năm 2017, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Ti Ki vẫn không đổi.
Về kết quả kinh doanh, tính đến 31.12.2017, VNG đã chịu lỗ 218 tỷ đồng từ việc đầu tư vào dịch vụ thương mại điện tử này. Giá trị còn lại của khoản đầu tư chỉ còn hơn 165,69 tỷ đồng.
Trước đó, VNG bắt đầu rót vốn vào Ti Ki hồi đầu năm 2016 và sở hữu 38% cổ phần. Khoản tiền đầu tư khi đó trị giá 384 tỷ đồng. Song ngay trong năm 2016, khoản đầu tư này của VNG đã chịu lỗ 93 tỷ đồng trên báo cáo tài chính.
Trong 3 công ty mà VNG đầu tư hiện nay, chỉ có khoản đầu tư vào công ty Thanh Sơn mang lại lợi nhuận.VNG gần như đã mất hết vốn đầu tư khi đầu tư vào ABA với giá trị đầu tư ban đầu là 14,6 tỷ đồng.
Về các khoản phải thu từ khách hàng, báo cáo tài chính riêng quý IV.2017 của VNG đã chỉ rõ, tính tới 31.12.2017, VNG phải thu hơn 18,3 tỷ đồng từ Công ty TNHH truyền thông WPP, hơn 15,7 tỷ đồng từ Công ty Liên doanh TNHH Saatchi & Saatchi Việt Nam cùng khoản phải thu từ các khách hàng khác lên tới 132,14 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu từ các bên liên quan của VNG cũng tăng đột biến từ 23,94 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2016 lên 106,56 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2017.
Trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của VNG với khách hàng và các bên liên quan của VNG đã lên tới gần 900 tỷ đồng.
Khoản nợ 6 năm chưa trả hết của Chủ tịch Lê Hồng Minh
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2017 của VNG cũng cho biết tính tới ngày 31.12.2017, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG đang vay của công ty 249,643 tỷ đồng.
Đây là khoản vay từ ngày 11.9.2012, không có tài sản thế chấp và được đáo hạn vào 7.4.2018. So với thời điểm ngày 31.12.2016, khoản vay của ông Lê Hồng Minh đã giảm gần 500 triệu đồng.
Giá trị khoản vay của ông Lê Hồng Minh với VNG đã giảm 500 triệu đồng, xuống còn 249,643 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
Khoản vay nói trên của ông Lê Hồng Minh với VNG đã được nhiều lần gia hạn. Tại báo cáo tài chính năm 2016, lãi suất của khoản vay này là 4,2%/năm và đáo hạn vào 8.4.2017.
Khi VNG công bố báo cáo tài chính quý II.2017, ngày đáo hạn của khoản vay này đã được chuyển thành 8.10.2017. Tới khi VNG công bố báo cáo tài chính quý III.2017, khoản vay tiếp tục gia hạn sang tháng 4.2018.
Ông Lê Hồng Minh hiện đang nắm giữ 17,07% cổ phần VNG, theo thông tin trong báo cáo thường niên của công ty gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.