Thị trường chứng khoán phiên 22/5 tiếp tục khiến những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng bắt đầu nghi ngờ. Mốc 1.000 điểm chính thức bị xuyên thủng và bảng điện tử trở nên nhuốm màu đỏ.
Mốc 1.000 điểm chính thức bị xuyên thủng
Đến cuối phiên sáng ngày 22/5, mốc mà nhiều người mong VnIndex không chạm đến là 1.000 điểm đã chính thức bị xuyên thủng khi Vinhomes tăng trần không đủ sức chống đỡ hàng loạt bluechips khác giảm sâu.
Như vậy, mọi nỗ lực test đáy đều đã bất thành và theo nhận định của nhiều đơn vị phân tích thì thị trường đang khá xấu xét trên phương diện phân tích kỹ thuật.
Phía tăng giá, nổi trội lên chỉ có VHM của Vinhomes và VHM đóng góp đến hơn 4 điểm vào bên tăng của VnIndex sáng nay. Phía giảm giá, VIC, VNM, VCB, CTG, BID đều "song hành" khiến VnIndex loay hoay mãi không tăng điểm nổi.
Những mã ảnh hưởng lớn đến VnIndex phiên 22/5- nguồn VNDS
Nhiều cổ phiếu midcaps, bluechips đã về đáy giá 2 năm
Điều đáng nói là trong cơn điều chỉnh sâu của thị trường chứng khoán lần này đã đẩy không chỉ hàng trăm cổ phiếu pennies về mức đáy giá nhiều năm mà còn nhiều cổ phiếu thuộc hàng midcaps, bluechips cũng giảm sâu bất chấp việc doanh nghiệp ra sức "phô diễn" kết quả kinh doanh tốt, thậm chí, cao hơn bao giờ hết.
Đầu tiên phải kể đến BMP của Nhựa Bình Minh. Sau khi SCIC thoái được vốn giá cao cho công ty của Thái Lan thì giá cổ phiếu BMP liên tục lao dốc. Mọi lý luận về giá trị doanh nghiệp có vẻ như đều trở nên sai khi mà chỉ trong 2 tháng, BMP đã mất 45% giá trị vốn hóa. Hiện tại, BMP đang giao dịch ở "khung" 50.000-60.000 đồng/cổ phiếu. Đây là vùng giá thấp nhất 2 năm qua của bluechips Nhựa Bình Minh một thời.
Hay như cổ phiếu HSG của Hoa Sen cũng vậy. Nhà đầu tư hàng ngày nhìn cổ phiếu HSG rơi từ ngưỡng nọ đến ngưỡng kia bất chấp VnIndex vượt hết đỉnh nọ, kia mà buồn. HSG hiện chỉ còn 13- 14.000 đồng/cp, rơi về vùng giá thấp nhất 2 năm qua.
Cổ phiếu HVG của vua cá tra một thời Hùng Vương giờ cũng chỉ còn lại 3.500 đồng, xuyên thủng mức giá lịch sử gần 10 năm niêm yết của công ty. Không ai nỡ xếp cổ phiếu HVG vào nhóm cổ phiếu "trà đá" dù rằng thực tế, mức giá đã rơi xuống rất sâu bởi đâu đó, người ta vẫn mong rằng doanh nghiệp "có số, có má" trong ngành thuỷ sản với doanh thu hàng năm lên đến mười mấy nghìn tỷ đồng doanh thu này sẽ có cơ hội vực lại mình từ vũng lầy vay, trả, trả, vay.
Một midcaps khác đáng chú ý là cổ phiếu GTN của GTNfoods. Hẳn, nhà đầu tư vẫn còn nhớ câu chuyện startup ngành nông nghiệp này đã 2 lần huy động thành công hàng nghìn tỷ đồng từ các quỹ đầu tư lớn hồi năm 2016. Lượng tiền đó đã được rót vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, mua lại, hợp nhất, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Và, kết quả là GTNfoods đã trở thành một "ông lớn" ngành nông nghiệp khi nắm quyền chi phối tại cả 3 thương hiệu lớn là Mộc Châu Milk, Vinatea và Vang Đà Lạt. Thế nhưng, ở giai đoạn sắp sửa "hái quả ngọt" thì cổ phiếu GTN đã bị thị trường điều chỉnh về mức giá thấp nhất 3 năm. Thậm chí, thấp hơn mức giá bán cho cổ đông chiến lược 2 năm trước.
Hay như CTD của Cotteccons. Cổ phiếu CTD liên tục giảm sâu đẩy giá từ ngưỡng trên 230 nghìn đồng về ~140 nghìn đồng hiện tại. Nhiều chuyên viên phân tích cho rằng sự sụt giảm này là phi lý và vẫn chấp nhận đi ngược định giá của thị trường, ước tính giá trị hợp lý lên đến 200.000 đồng.
Có nên mua những cổ phiếu midcaps, bluechips đã giảm mạnh để chờ cơ hội thị trường hay không?
Câu hỏi lớn đã nên mua những cổ phiếu đã giảm mạnh trong sóng điều chỉnh sâu của thị trường hay không trở thành một chủ đề bàn cãi lớn trong giới đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong cơn điều chỉnh giảm sâu của thị trường thì nên giữ tiền và chờ đợi cơ hội. Bắt dao rơi sẽ khiến nhà đầu tư đứt tay.
Trường phái ngược lại cho rằng, lực cầu test đáy đã xuất hiện ở nhiều mã cơ bản tốt, giảm sâu thì tham lam không có gì sai cả. Trường phái này bảo lưu quan điểm nên vào tiền từ từ để an toàn hơn cho tài khoản.
Hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư không nên lạm dụng margin vào lúc này dù lòng thấy cơ hội lớn đến thế nào đi chăng nữa nếu không muốn tài khoản của mình bị rơi vào trạng thái "bò tùng xẻo" bởi chính margin.
Khi nói về cổ phiếu của chính công ty mình rơi về đáy giá 2 năm, lãnh đạo GTNfoods cho rằng vùng giá hiện tại là cơ hội bởi mấy năm trước, khi công ty còn bộn bề trong M&A và tái cấu trúc thì nhiều nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng rót vốn với mức giá cao hơn rất nhiều.