Thị trường chứng khoán đang chứng kiến những giây phút lịch sử khi chỉ số VnIndex đã vượt ngưỡng 1.000 điểm và tiến bước một cách vững chắc, vượt qua đỉnh 10 năm và hiện đang lăm le phá đỉnh lịch sử.
Cùng với đó, hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu vẫn "lẹt đẹt" giao dịch ngang mức bó rau, cốc trà đá.
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) có VĐL trên 9.380 tỷ đồng
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) – Doanh nghiệp lớn trong ngành hạ tầng khu công nghiệp hiện có vốn điều lệ trên 9.380 tỷ đồng. Tuy nhiên đã nhiều năm nay giá cổ phiếu này luôn giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí mấy năm gần đây còn giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay cổ phiếu ITA giao dịch chưa đến mức 3.600 đồng/cổ phiếu, và có lúc giảm xuống dưới 2.900 đồng/cổ phiếu – ngang giá cốc trà đá. Vốn hóa thị trường khoảng 2.900 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu ITA trong 3 tháng gần đây.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận đều đạt mức tăng trưởng mạnh so với năm trước đó. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 698 tỷ đồng, tăng 187% so với năm 2016 còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 52 tỷ đồng, tăng trưởng 32,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên EPS chỉ đạt 54 đồng/cổ phiếu. Chỉ số P/E lên trên 56.
Về "của để dành", tính đến hết năm 2017 Tân Tạo ITA có hơn 307 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, có hơn 9 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, có hơn 617 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tổng tài sản đạt 13.259 tỷ đồng. Nợ phải trả 2.911 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 10.347 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu hơn 9.384 tỷ đồng.
Địa ốc Hoàng Quân có VĐL 4.253 tỷ đồng
Giá cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng giao dịch dưới mệnh gia đã hơn 7 năm nay. Còn từ giai đoạn cuối năm 2016 đến nay đã lao dốc và giao dịch cả dưới ngưỡng 4.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của Địa ốc Hoàng Quân xấp xỉ 4.766 tỷ đồng, mức khá cao so với nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Tuy thế vốn hóa thị trường chỉ hơn 1.100 tỷ đồng tính đến 13/3/2018.
Kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu công ty giảm sút mạnh đến 54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ hoạt động thoái vốn tại các công ty con, nên lợi nhuận sau thuế cả năm vẫn đạt trên 75 tỷ đồng, gấp 3,5 lần lợi nhuận đạt được năm 2016.
Tính đến hết năm 2017 tổng cộng tài sản công ty đạt trên 6.325 tỷ đồng; nợ phải trả 2.072 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hơn 4.253 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 4.766 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HQC trong 1 năm gần đây.
Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam có VĐL 4.000 tỷ đồng
Cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam đang giao dịch quanh mức 2.200 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu này rất tốt khi mỗi phiên có hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh dù PVX đang bị duy trì diện bị cảnh báo trên thị trường chứng khoán.
Thời kỳ "đỉnh cao", PVX đã có lúc giao dịch trên ngưỡng giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên hơn 1 năm trở lại đây đều giao dịch dưới vùng giá 3.000 đồng/cổ phiếu. Và hiện PVX đang giao dịch ở mức giá 2.200 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa thị trường hơn 880 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2017 PVX đang gánh khoản lỗ lũy hế hơn 3.278 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 2.603 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 4.000 tỷ đồng.
Lịch sử giao dịch 10 phiên gần nhất của PVX.
Tập đoàn Đại Dương (OGC) có VĐL 3.000 tỷ đồng
Một thời ở đỉnh cao, cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương giao dịch trên mức 34.000 đồng/cổ phiếu nhưng mấy năm gần đây đều giao dịch dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có lúc chỉ nhỉnh hơn 1.000 đồng/cổ phiếu. Gần 1 năm nay giao dịch dưới 3.000 đồng, và hiện tại đang thuộc diện bị kiểm soát trên thị trường chứng khoán.
OGC có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng tương ứng 300 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên cũng rất lớn, có lúc lên đến mấy triệu đơn vị. Trong khi đó hiện OGC đang giao dịch trên thị trường quanh ngưỡng 2.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa hiện tại của OGC hơn 815 tỷ đồng,
Kết quả kinh doanh cũng phản ánh khá sát tình hình giá cổ phiếu. Năm 2017 OGC lỗ tiếp 462 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên trên 2.871 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 787,7 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 3.000 tỷ đồng.
Đây cũng là năm lỗ thứ 2 liên tiếp của OGC, trước đó năm 2016 công ty cũng lỗ hơn 794 tỷ đồng. Riêng 2 năm liên tiếp OGC đã lỗ tổng cộng trên 1.350 tỷ đồng.
CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) có VĐL 2.000 tỷ đồng
"Cặp đôi" với OGC là OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương – doanh nghiệp do Tập đoàn Đại Dương nắm cổ phần chi phối. Hiện OCH có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Chỉ hơn 5 tháng trước cổ phiếu OCH đang giao dịch trên mệnh giá, trên 13.000 đồng/cổ phiếu, sau đó đã giảm sâu và hiện quanh mức 4.900 đồng/cổ phiếu, thậm chí có giai đoạn còn giảm đến 4.100 đồng/cổ phiếu (ngày 7/2/2018).
Diễn biến giá cổ phiếu OCH trong 6 tháng gần đây.
Kết quả kinh doanh, OCH cũng vừa báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp với số lỗ hơn 3,6 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 lên trên 823 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng còn gần 1.227 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản còn 3.338 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai có VĐL 2.850 tỷ đồng
Cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã "rơi" từ trên mệnh giá hồi 3 năm trước xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay dù khối lượng giao dịch mỗi phiên đều rất lớn.
Kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai cũng không tệ khi lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 đạt 67,2 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với năm 2016. "Của để dành" cũng không ít khi LNST lũy kế đến hết năm 2017 đạt trên 188,8 tỷ đồng. Ngoài ra công ty còn hơn 6 tỷ đồng trong quỹ đầu tư và phát triển, ghi nhận hơn 8 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái và còn trên 50 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Đức Long Gia Lai có vốn điều lệ trên 2.850 tỷ đồng. Với mức giá giao dịch quanh vùng 3.400 đồng/cổ phiếu như hiện nay, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Đức Long Gia Lai còn chưa đến 980 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 3.355 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản đến cuối năm 2017 đạt 8.320 tỷ đồng, tăng 1.320 tỷ đồng so với đầu năm; nợ phải trả 4.965 tỷ đồng, tăng 613 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có hơn 3.118 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn và hơn 743 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn. EPS năm 2017 đạt 238 đồng/cổ phiếu. Chỉ số P/E là 14.
Hoàng Huy (HHS) có VĐL 2.747 tỷ đồng
Đang từ mức giá trên 20.000 đồng/cổ phiếu, gần 3 năm trước bất ngờ cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy giảm mạnh không phanh, về dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HHS trong 3 năm gần đây.
Giai đoạn cuối tháng 12/2017, đầu tháng 1/2018 vừa qua HHS bất ngờ tăng mạnh lên gần 6.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư đang mong chờ sự bứt phá của HHS thì ngay lập tức đã bị "dội gáo nước lạnh" khi giá cổ phiểu nhanh chóng giảm và hiện về quanh mức 4.30 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Hoàng Huy cũng là một trong những doanh nghiệp kinh doanh ô tô lớn trên thị trường với vốn điều lệ trên 2.740 tỷ đồng. Tuy nhiên do tác động từ nhiều nguyên nhân, nên kết quả kinh doanh của công ty giảm sút mạnh từ 3 năm trở lại đây. Năm 2015 công ty lãi sau thuế hơn 481 tỷ đồng thì sang năm 2016 giảm đến 71%, xuống còn 138,5 tỷ đồng, và năm 2017 chỉ còn ghi nhận lãi sau thuế hơn 92 tỷ đồng. EPS năm 2017 đạt 341 đồng/cổ phiếu, giảm 187 đồng/cổ phiếu so với năm trước đó. P/E đạt 12 lần/cổ phiếu.
"Của để dành" của Hoàng Huy cũng không ít, LNST lũy kế chưa phân phối đến hết năm 2017 còn hơn 287 tỷ đồng; bên cạnh đó công ty còn hơn 19 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 139 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 3.220 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu trên 2.747 tỷ đồng.
Nông dược HAI có VĐL 1.650 tỷ đồng
Cổ phiếu HAI của Nông dược HAI chỉ mới giảm mạnh thời gian gần đây. Giai đoạn giữa tháng 10 HAI đang giao dịch trên mức giá 13.000 đồng nhưng đã nhanh chóng giảm sâu và hiện giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa thị trường khoảng 880 tỷ đồng.
Mới đây, HAI đã chào bán hơn 65 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 1.826 tỷ đồng như hiện nay.
CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF có VĐL 1.650 tỷ đồng
Cổ phiếu KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF cũng đã giao dịch dưới mệnh giá gần 3 năm trở lại đây, trong đó mấy tháng gần đây giảm sâu và hiện giao dịch quanh mức giá 2.600 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ của KLF hiện tại trên 1.650 tỷ đồng.
Vốn hóa thị trường còn 1/4 vốn điều lệ,, khoang gần 415 tỷ đồng. Cả năm 2017 công ty báo lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 4,6 tỷ đồng. EPS năm 2017 đạt 28 đồng/cổ phiếu.
Cao su Quảng Nam (VHG) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng
Biểu đồ giá của cổ phiếu VHG của Cao su Quảng Nam 3 năm gần đây nhìn rõ sự đi xuôi xuống từ mức giá xấp xỉ 13.000 đồng xuống dưới 1.000 đồng và hiện đang giao dịch ở mốc trên mức 1.000 đồng/cổ phiếu. Hiện VHG cũng đang bị duy trì diện bị cảnh báo trên thị trường chứng khoán. Vốn hóa thị trường còn hơn 153 tỷ đồng - tương ứng hơn 1/10 VĐL công ty.
Diễn biến giá cổ phiếu VHG trong 3 năm gần đây.
Về kết quả kinh doanh, cả năm 2017 doanh thu của công ty chỉ hơn 16 tỷ đồng trong khi doanh thu năm 2016 đạt hơn 1.164 tỷ đồng, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp công ty báo lỗ với số lỗ gần 1.165 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 đã hơn 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 537 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 1.500 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản công ty còn gần 670 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Nguyên nhân chính khoản lỗ nặng của VHG trong năm 2017 vừa qua do không phát sinh doanh thu, trong khi đó công ty liên tiếp thanh lý các khoản đầu tư lỗ vốn tại các công ty con, công ty liên kết. VHG đã thông qua tờ trình hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu VHG trên HoSE và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Vật tư Nông nghiệp Cần Thơ có VĐL trên 1.476 tỷ đồng
Cổ phiếu TSC của Vật tư Nông nghiệp Cần Thơ hiện giao dịch chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh cũng giảm sút mạnh khi năm 2017 lỗ hơn 5 tỷ đồng trong khi năm trước đó vẫn lãi hơn 10 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu TSC trong 1 năm gần đây.
CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC có VĐL 1.000 tỷ đồng
CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (Petroland – PTL) hiện giao dịch chưa tới 4.000 đồng/cổ phiếu và cũng đang duy trì diện bị kiểm soát trên thị trường chứng khoán. Có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và sở hữu nhiều bất động sản nhưng hoạt động kinh doanh của Petroland từ lúc thành lập năm 2007 đến nay thật sự 'bết bát'. Vốn hóa thị trường còn khoảng 360 tỷ đồng.
Năm 2017, Petroland tiếp tục lỗ hơn 33 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối năm lên mức 174 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản công nợ của Petroland cũng được kiểm toán nhắc đến trong báo cáo tài chính bán niên 2017.
Cuối năm 2017 Petroland đã phải bán toàn bộ 19,6 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư hạ tầng Nha Trang cho Địa ốc Đất Xanh (DXG) với tổng giá trị chuyển nhượng gần 226 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, những cố phiếu có thị giá thấp (penny) lại thường xuyên được các nhà đầu tư quan tâm lựa chọn như một "điểm đến" an toàn khi giá trị đầu tư thấp tỷ lệ rủi ro cũng thấp hơn. Những cổ phiếu Penny là nơi "trú chân" cho các nhà đầu tư khi không lựa chọn được những cổ phiếu blue chip ưng ý.
Đây cũng là lý do, dù thường xuyên giao dịch "lẹt đẹt" với mức giá chỉ ngang bó rau ly trà đá, thì thanh khoản của những cổ phiếu này thường xuyên rất cao.