Ngày 21/3/2018 đánh dấu cột mốc đáng nhớ của TTCK Việt Nam khi chỉ số VnIndex đã chạm mốc 1.171 điểm lần đầu tiên sau 11 năm mòn mỏi chờ đợi.
Trong suốt 11 năm qua, TTCK Việt Nam đã có những bước chuyển mình vượt bậc với quy mô, chất lượng ngày càng cải thiện, chỉ số chứng khoán cũng trở về đỉnh lịch sử và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy vậy, trong bức tranh tươi sáng của thị trường vẫn tồn đọng không ít mảng tối khi còn có rất nhiều cổ phiếu chưa thể vượt qua cái bóng của chính mình cách đây 11 năm.
Dưới đây là một vài tên tuổi đình đám trên TTCK Việt Nam cách đây 11 năm nhưng hiện đã "đi về nơi xa lắm":
Sudico (SJS) lao dốc cùng bong bóng bất động sản, chứng khoán
Cái tên đầu tiên được nhắc tới là SJS (Sudico), một trong những Bluechips một thời đắt giá nhất trên TTCK Việt Nam. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2007, có thời điểm thị giá SJS lên tới 728.000 đồng/cp.
Tuy vậy, thị giá SJS hiện chỉ quanh ngưỡng 32.000 đồng, kém xa mức đỉnh 123.000 đồng vào tháng 6/2007 (giá đã điều chỉnh sau nhiều lần chia thưởng, phát hành thêm).
Việc SJS lao dốc mạnh trong 11 năm qua có nguyên nhân từ việc công ty đã sa lầy trong các dự án bất động sản, tiêu biểu là các dự án tại An Khánh vào những năm 2008, 2009. Trong khi đây là thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc, kéo theo hoạt động kinh doanh công ty gặp không ít thách thức. Đỉnh điểm của sự khó khăn với SJS vào giai đoạn 2011, 2012 khi công ty thua lỗ 2 năm liên tiếp với tổng số lỗ gần 400 tỷ đồng. Thậm chí, cổ tức từ năm 2010 công ty còn khất đến…năm 2018.
SJS chật vật tìm lại hào quang năm xưa
Những năm gần đây, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Cùng với đó, SJS đã đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động giúp doanh nghiệp có lãi trở lại. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu vẫn còn kém xa thời đỉnh cao cách đây hơn 1 thập kỷ.
Sam Holdings (SAM) "loạn" phương hướng trong hoạt động kinh doanh
Một trường hợp khác cũng "lạc trôi" sau 10 năm TTCK Việt Nam tạo đỉnh là SAM. Từng được coi là một trong những Bluechips hàng đầu cũng như là một trong 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên TTCK Việt Nam, tuy nhiên cổ phiếu SAM hiện không còn nhận được nhiều sự chú ý từ giới đầu tư.
Vào tháng 2/2007, khi TTCK Việt Nam ở đỉnh cao, cổ phiếu SAM từng có giá 250.000 đồng (trước khi điều chỉnh) hay 31.000 đồng sau khi điều chỉnh, Tuy nhiên thị giá SAM hiện chỉ còn quanh ngưỡng 7.000 đồng và mức giá này đã duy trì trong nhiều năm qua, bất chấp sự thăng hoa của TTCK.
SAM từng là Bluechips lẫy lừng trên TTCK Việt Nam
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự lao dốc của SAM. Đầu tiên là việc cổ phiếu đã được thị trường định giá ở mức hợp lý hơn so với mức giá "bong bóng" cách đây hơn 1 thập kỷ. Ngoài ra, nguyên nhân cốt lõi khiến SAM mất dần vị thế là bởi định hướng kinh doanh của công ty trong nhiều năm qua khá mông lung.
Từ một doanh nghiệp lớn trong ngành dây cáp, SAM đã mở rộng hoạt động đầu tư sang lĩnh vực bất động sản và thậm chí từng có ý định trở thành cổ đông lớn của Vinamotor. Mới đây, SAM còn tham gia công cuộc "giải cứu" Gỗ Trường Thành (TTF).
KQKD SAM trong những năm gần đây liên tục giảm sút. Riêng năm 2017 vừa qua, công ty đạt gần 115 tỷ lợi nhuận sau thuế, mức cao nhất trong vòng 4 năm nhưng chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Khoáng sản Bình Định (BMC) sụp đổ với sóng titan và "bong bóng" chứng khoán 2007
Năm 2007, trong cơn say của TTCK, BMC có thời điểm leo lên mức giá 847.000 đồng và trở thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường.
Đà tăng giá của BMC thời kỳ đó có nguyên nhân đến từ việc dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn trong khi hàng hóa trên sàn còn ít, dẫn tới giá cổ phiếu tăng mạnh.
Ngoài ra, một yếu tố thúc đẩy đà tăng của BMC còn bởi đây là doanh nghiệp khai thác quặng titan lớn nhất Bình Định. Trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Tuy nhiên, tình cảnh hiện tại trái ngược hoàn toàn khi thị giá BMC chỉ quanh ngưỡng 15.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh cao gần 100.000 đồng (giá đã điều chỉnh sau khi chia tách, cổ tức) vào năm 2007.
Đỉnh cao BMC đã qua từ rất lâu
Trong những năm gần đây, giá titan trên thế giới lao dốc mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của BMC. Bên cạnh đó, việc thuế môi trường gia tăng đối với hoạt động khai khoáng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn. Ngoài ra, hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao. Những yếu tố trên đã khiến cổ phiếu BMC "lao dốc" trong nhiều năm.
Agifish (AGF) ngày càng khó khăn kể từ ngày "về một nhà" với Hùng Vương
Agifish từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh Agifish nhìn chung khá ổn định với doanh thu tăng trưởng đều qua các năm. Tuy vậy, bước ngoặt đến với công ty vào năm 2014 khi Hùng Vương (HVG) tiến hành thâu tóm và kể từ đây KQKD Agifish đã đi xuống rõ nét kể từ thời điểm này. Trong năm tài chính 2015, Agifish lỗ ròng 3 tỷ đồng, đến năm 2016, công ty cũng chi ghi nhận vỏn vẹn 4 tỷ đồng lợi nhuận và đến năm 2017 đã lỗ gần 190 tỷ đồng.
Với KQKD kém thuyết phục, cổ phiếu AGF hiện chỉ còn chưa đến 6.000 đồng, giảm mạnh so với mức giá đỉnh cách đây 10 năm (khoảng 150.000 đồng tính theo giá đóng cửa và 47.000 đồng tính theo giá điều chỉnh).
AGF ngày càng sa sút sau khi về một nhà với Hùng Vương
Giải thể Tribeco (TRI), thương hiệu đồ uống Việt một thời đình đám
Từng là thương hiệu lớn trong ngành giải khát, Tribeco liên tục được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên sau những sai lầm trong chiến lược hợp tác kinh doanh với Kinh Đô, đặc biệt là đối tác ngoại Uni-President đã khiến Tribeco liên tục chìm trong thua lỗ và đi đến giải thể vào năm 2012. Phiên giao dịch cuối cùng (9/4/2012), thị giá TRI chỉ còn 1.800 đồng/cp.
Sau khi Kinh Đô thoái vốn khỏi Tribeco, Uni-President đã trở thành ông chủ mới của Tribeco và tập đoàn đến từ Đài Loan này đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ thương hiệu Tribeco.
Đây là một trường hợp hết sức đáng tiếc cho một thương hiệu Việt đang ăn nên làm ra đã trở thành "nạn nhân" trong cuộc chơi toan tính của các ông lớn.
TRI, nạn nhân trong cuộc chơi của các ông lớn