Cụ thể,Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiếp tục sẽ bán đấu giá theo lô hơn 71 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) vào ngày 18/1 tới đây.
Hiện VNPT đang có 71.577.141 cổ phần, tương đương với 6,09% vốn điều lệ tại Maritime Bank. Mức giá khởi điểm VNPT đưa ra là 11.900 đồng/ cổ phần. Nếu đấu giá thành công, từ mức giá khởi điểm này, VNPT sẽ thu về được ít nhất 851 tỷ đồng từ đợt thoái vốn.
Một công ty Nhà nước khác là Tổng công ty Viễn thông Mobifone cũng lên kế hoạch thoái vốn đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bằng phương thức đấu giá cổ phần vào ngày 7/2 tới.
Hai phiên đấu giá được thực hiện liên tiếp vào 8 giờ 30 phút và 10 giờ sáng ngày 7/2/2018. Cụ thể, Mobifone sẽ bán đấu giá toàn bộ 33,4 triệu cổ phần tại SeABank với giá khởi điểm là 9.600 đồng/ cổ phần và hơn 5,5 triệu cổ phần tại TPBank với mức giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phần.
Nếu thành công, Mobifone sẽ không còn cổ phần nào tại SeABank và giảm tỷ lệ sở hữu tại TPBank. Số tiền thu được từ hai lô cổ phần với giá khởi điểm khoảng hơn 391 tỷ đồng.
“Gặp khó” trong việc thoái vốn khỏi ngân hàng?
Được biết, cả VNPT và Mobifone đều đã có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng theo chủ trương giảm các khoản đầu tư ngoài ngành từ những năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện xong.
Cuối năm 2015, VNPT đã chào bán lô cổ phần tại Martitime Bank với giá khởi điểm 11.700 đồng/ cổ phiếu nhưng vì chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức. Từ đó đến nay, có thêm 2 lần VNPT thông báo đấu giá cổ phiếu MSB nhưng đều gặp phải tình huống không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự nên buộc phải hủy buổi đấu giá.
Còn Mobifone thì đã thực hiện đấu giá cổ phần tại SeABank và TPBank vào cuối tháng 4/2016 nhưng chưa thể bán hết số lượng đã đăng ký chào bán (không bán được cổ phiếu SeABank nào và chỉ bán được 61% số cổ phần TPBank).
Trong đại hội cổ đông năm 2017 của TPBank, ông Phan Tuấn Anh – đại diện Mobifone đã cho biết sẽ thực hiện thoái vốn trong năm 2017 nhưng thực tế đến hết năm vẫn chưa có kết quả.
Các ngân hàng nhiều triển vọng, VNPT và Mobifone sẽ thuận lợi đấu giá thành công?
Năm 2017 vừa qua, ngành ngân hàng được đánh giá đã đạt được nhiều thành tựu khi nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ, có điều kiện giải quyết được khối lượng nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng lên sàn, thực hiện tái cơ cấu nhanh hơn,... Trong bối cảnh chung đó, các ngân hàng như TPBank và Maritime Bank cũng đang có hoạt động kinh doanh tương đối tốt.
Maritime Bank cuối quý III/2017 có tổng lợi nhuận trước thuế đạt 589 tỷ đồng, tăng 207% so với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 20%. Tổng doanh thu đạt 8.631 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đặc biệt mảng dịch vụ đem lại khoản lãi thuần hơn 225 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
TPBank tính đến hết năm 2017 có lợi nhuận đạt 1.205 tỷ đồng, vượt 56% so với kế hoạch. Tín dụng của TPBank đạt 71.295 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm và tăng gần 22% so với năm 2016, chất lượng tín dụng của TPBank được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu 0,87%. Ngân hàng này cũng có kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào cuối quý 1/2018.
Trên thị trường OTC, giá giao dịch của TPBank hiện vào khoảng 26.000-28.000 đồng/ cổ phiếu. Trong khi đó, mức giá khởi điểm Mobifone đưa ra thấp hơn khá nhiều, chỉ 12.800 đồng/ cổ phần.
Tương tự, SeABank được chào bán với mức khởi điểm là 9.600 đồng/ cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá trên thị trường OTC (13.000-14.000 đồng/ cổ phiếu).
Với nhiều yếu tố thuận lợi như trên, đồng thời cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng đang được nhiều chuyên gia đánh giá "đáng để đầu tư" trong năm 2018 sẽ giúp cho việc thoái vốn của VNPT, Mobifone tại các ngân hàng được dễ dàng hơn.