Sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, các quốc gia trên lớn nhỏ đều phải đồng ý rằng vaccine là biện pháp tốt nhất để đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường mới. Không chỉ quan trọng đối với sức khỏe con người, vaccine cũng là "liều thuốc" hữu hiệu nhất để hồi sinh nền kinh tế sau quãng thời gian dài gặp khủng hoảng, đứt gãy.
Tại Việt Nam, việc nhập khẩu và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã và đang được gấp rút thực hiện. Tuy nhiên, những điều kiện bảo quản vaccine nghiêm ngặt trong điều kiện âm sâu cũng là bài toán khó. Hiện Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP ở tất cả 50 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Do đó, VNVC nghiễm nhiên trở thành cánh tay đắc lực của hệ thống y tế trong công cuộc nhập khẩu và tiêm chủng vaccine trên toàn quốc.
Công ty 5 năm tuổi nhưng đi tiên phong
Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được thành lập từ tháng 11/2016, còn khá trẻ so với những anh lớn cùng ngành. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp có được hợp đồng nhập khẩu vaccine đầu tiên về Việt Nam.
Hiện, Việt Nam có 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng và đang triển khai tiêm chủng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), COVID-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và Hayat - Vax.
Trong đó, vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam là AstraZeneca và VNVC cũng là đơn vị đầu tiên đủ điều kiện bảo quản và có được hợp đồng nhập khẩu vaccine này.
Sau đó, các vaccine khác cũng lần lượt được cấp phép. Sputnik V do Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) nhận chuyển giao công nghệ sản xuất. Ngày 24/9, đơn vị này đã công bố sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V thành công. Còn COVID-19 Vaccine Janssen do Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) chịu trách nhiệm nhập khẩu. Vaccine Moderna, Vero Cell, Hayat - Vax lần lượt do Zuellig Pharma Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex nhập khẩu.
Nói về quá trình có được hợp đồng nhập khẩu 30 triệu liều vaccine Astrazeneca, bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: "Đến tháng 11/2020, khi vaccine này đang ở giai đoạn nghiên cứu từ phase 2 lên phase 3, VNVC đã được sự đồng ý của Bộ Y tế, mạnh dạn đặt cọc hợp đồng mua vaccine Covid-19 của AstraZeneca với số tiền là 30 triệu đô-la, đồng nghĩa với việc nếu vaccine được nghiên cứu thành công thì VNVC sẽ là đơn vị được quyền mua vaccine sớm nhất, còn ngược lại sẽ mất trắng khoản tiền này và phải thêm chi phí đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo.
Đây cũng là một quyết định rất rủi ro với một doanh nghiệp như VNVC, số tiền bỏ ra tương đương 700 tỷ đồng. Nhưng nếu như may mắn, vaccine thành công thì chúng ta sẽ là quốc gia đầu tiên trong khu vực được tiêm chủng vaccine Covid-19.
Ngoài năng lực bảo quản vaccine, VNVC phải chứng minh được năng lực về tổ chức các kế hoạch tiêm chủng cũng như năng lực về mặt tài chính dựa trên kinh nghiệm, uy tín của VNVC đối với các hãng vaccine, do đó mà AstraZeneca đã nhanh chóng có quyết định hỗ trợ cho Việt Nam và VNVC có thể tiếp cận được vaccine Covid-19 sớm và nhanh nhất".
Tính đến ngày 1/9, sau 12 đợt, đã có tổng cộng 10.168.660 vaccine AstraZeneca trong hợp đồng này được chuyển Việt Nam.
(Nguồn: VNVC)
Có được bước đi tiên phong so với các anh lớn trong ngành thì cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Dù mới chính thức hoạt động vào tháng 6/2017 nhưng VNVC đã nhanh chóng phủ sóng toàn quốc với 50 trung tâm tiêm chủng hiện đại trên cả nước với 2.000 bác sĩ và 3.000 điều dưỡng viên,... Do đó, kinh nghiệm là điều mà doanh nghiệp này đã có ít nhiều.
Đến giữa năm 2020, khi dự đoán được tình hình khó khăn về vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các loại vắc xin COVID-19, VNVC cũng sớm tiến hành nhập khẩu số lượng lớn thiết bị và triển khai xây dựng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh âm sâu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khi có thể nhập khẩu các loại vắc xin đặc biệt.
Hệ sinh thái dược hậu thuẫn phía sau
VNVC được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Ngô Chí Dũng (40% VĐL), bà Nguyễn Thị Hà (30% VĐL) và bà Nguyễn Thị Xuân (30% VĐL). Ông Ngô Chí Dũng đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNVC.
VNVC cho biết là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu kho lạnh hiện đại bảo quản vaccine, đồng thời phân phối các loại vaccine thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nhập khẩu chính hãng. Dù giá các dịch vụ tiêm thường nhỉnh hơn một chút so với các trung tâm y tế khác nhưng dịch vụ chuyên nghiệp, cơ sở vật chất hiện đại, sạch sẽ,.. là điều người ta thường nói khi đến tiêm tại đơn vị này.
Thực chất, VNVC chỉ là một nhánh trong hệ sinh thái của Chủ tịch Ngô Chí Dũng - người không còn xa lạ trong giới kinh doanh dược phẩm, y tế, thực phẩm chức năng. Ngoài VNVC, hệ sinh thái ngành dược của doanh nhân này còn có CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) và Bệnh viên Tâm Anh.
Eco Pharma có thể là cái tên ít gây chú ý, nhưng những ai thường xuyên xem đài truyền hình Việt Nam vào khung giờ vàng sẽ không thể không biết "Sâm Alipas – Tăng cường sinh lực phái mạnh", "Sâm Angela Gold – Sức khỏe, sắc đẹp", "Wit - Chăm sóc & Bảo vệ Mắt",… Đây chính là các sản phẩm dòng ecogreen của EcoPharma. Công ty dược này chuyên nhập khẩu các loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiểu đường, ung thư, gan mật, tiêu hóa và phân phối đến hơn 20.000 nhà thuốc và 100 bệnh viện tại Việt Nam.
Doanh nhân Ngô Chí Dũng.
Ngoài ra, EcoPharma có sở hữu riêng cho mình hệ thống nhà thuốc ECO với 10 chi nhánh, cùng một sàn thương mại Ecogreen vận hành từ tháng 1/2017.
Trong lĩnh vực bệnh viện, gia đình ông Ngô Chí Dũng cũng sở hữu Bệnh viên Đa khoa Tâm Anh tại 108 Hoàng Như Tiếp, P. Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, thông qua nắm giữ cổ phần chi phối trong CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Kết quả kinh doanh
Về VNVC, dữ liệu về kết quả kinh doanh của công ty này cho thấy năm 2019 doanh thu thuần đạt 2.334 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm trước đó. Trong nửa năm đầu kinh doanh (2017), VNVC chỉ đạt doanh thu 32 tỷ đồng.
Công ty bắt đầu báo lãi trong năm 2019, mức sau thuế đạt 80 tỷ đồng, trong năm liền trước lỗ 39 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng, mô hình kinh doanh vắc xin khá nhanh chóng để minh chứng tính hiệu quả. Biên lợi nhuận gộp của VNVC dao động quanh mức 26%.
Trong khi đó, Eco Pharma cũng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với đặc thù của các doanh nghiệp phân phối dược phẩm, biên lợi nhuận của đơn vị này cũng khá thấp. Eco Pharma mang về lợi nhuận chỉ khoảng 1 tỷ đồng vào năm 2016, nhưng tăng lên mức 43,7 tỷ đồng vào năm sau đó. Đến 2018-2019, con số này giảm dần, lần lượt đạt 25,3 và 12,4 tỷ đồng.
Còn Bệnh viện Tâm Anh đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, đặt tại Long Biên, TP Hà Nội. Doanh thu trong năm 2019 của bệnh viện này đạt 661 tỷ đồng, lãi ròng “tượng trưng” 1 tỷ đồng. Điều này gây bất ngờ bởi năm liền trước đó, bệnh viện Tâm Anh dù ghi nhận doanh thu thấp hơn (524 tỷ đồng) nhưng lãi sau thuế tới 42 tỷ.