Chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, VNVC đã bắt đầu có lãi, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao đáng nể, doanh thu cán mốc hàng nghìn tỷ đồng.
Thường xuyên xuất hiện trong khung giờ vàng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), những quảng cáo về thực phẩm chức năng như Sâm Alipas Platinum, Jex Max, Otiv, Qik Hair, Sâm Angela Gold đã trở thành quen thuộc đối với khán giả xem truyền hình.
Ít ai biết rằng, những thực phẩm chức năng kể trên đều là những sản phẩm của CTCP Dược Phẩm Eco (Eco Pharma). Thành lập từ tháng 1/2008, Eco Pharma là doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy).
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eco Pharma là ông Ngô Chí Dũng - một doanh nhân tài năng trong làng dược Việt Nam. Những tìm hiểu của VietTimes cũng cho thấy, Eco Pharma còn là một trong những "cỗ máy in tiền" cho vị doanh nhân sinh năm 1974.
Trong 4 năm gần nhất, Eco Pharma ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và liên tục báo lãi. Năm ngoái, Eco Pharma thu về 1.681,4 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018. Điều đáng nói, nguồn doanh thu mà Eco Pharma đem lại mỗi năm đều gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Eco Pharma mới chỉ đạt mức 83 tỷ đồng. Với việc báo lãi thuần 12,4 tỷ đồng vào năm ngoái, hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Eco Pharma lên tới 14,9%.
Lãi khủng như VNVC
Như VietTimes từng đề cập, một thành viên khác trong "hệ sinh thái" của ông Ngô Chí Dũng là CTCP Vacxin Việt Nam (VNVC) – doanh nghiệp dẫn đầu thị phần vắc xin trên cả nước, hiện sở hữu hệ thống 35 trung tâm tiêm chủng VNVC ở nhiều địa phương.
Theo tìm hiểu của VietTimes, VNVC được thành lập từ tháng 11/2016 với quy mô vốn điều lệ ban đầu chỉ 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Ngô Chí Dũng sở hữu 40% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho các nữ cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Xuân. Ông Dũng còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNVC.
VNVC chỉ mất 3 năm hoạt động để bắt đầu có lãi. Hai năm đầu tiên, công ty này liên tục báo lỗ, song có một tín hiệu tích cực là doanh thu có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2018 công ty này ghi nhận doanh thu đạt 446,3 tỷ đồng, cao gấp 14 lần so với năm trước.
Bước sang năm 2019, VNVC ghi nhận sự bùng nổ về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt tới 2.333,5 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với năm 2018. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cũng chuyển sang có lãi với khoản lợi nhuận thuần ở mức 79,5 tỷ đồng. Hệ số lợi nhuận thuần trên vốn chủ sở hữu của VNVC lên tới 70,35%.
Cập nhật tới tháng 7/2020, VNVC thực hiện nâng vốn điều lệ nhưng cũng mới chỉ đạt mức 140 tỷ đồng.
So với 2 pháp nhân kể trên, CTCP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh có tuổi đời lâu hơn cả. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của pháp nhân này khó có thể sánh bằng.
Năm ngoái, CTCP Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh ghi nhận doanh thu đạt 660,6 tỷ đồng, song chỉ báo lãi vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của công ty này cũng mới chỉ đạt 763,2 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu đạt 233,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào tháng 7/2019, ông Ngô Chí Dũng cùng vợ (bà Hà Thu Nga) và một người thân là bà Nguyễn Thị Tập còn góp vốn sáng lập CTCP Dinh Dưỡng NutriHome (NutriHome).
Sau vài tháng đi vào hoạt động, công ty này vẫn chưa phát sinh doanh thu, đồng thời ghi nhân khoản lỗ 5,23 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, NutriHome có quy mô tổng tài sản đạt mức 11 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.