Phát triển thế mạnh của địa phương
Trao đổi về tình hình địa phương, ông Trương Xuân Quý - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 5.867km2, diện tích đất nông nghiệp 540.538ha, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi đại gia súc.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 150.000 con trâu, bò. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, quy mô lớn, công nghệ cao. Trong đó, Hội ND tỉnh đã hướng dẫn thực hiện “Mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm” do HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện.
Được Hội ND tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư nuôi trâu vỗ béo hiệu quả. Ảnh: Thu Hà
Đến nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng chính thức với 16 HTX, THT thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò với trên 150 hộ chăn nuôi là thành viên các HTX, THT tham gia. |
Ông Quý cho biết: Đây là mô hình có sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác (THT) và người dân. Theo đó, HTX, THT, hộ chăn nuôi chủ động cải tạo, đầu tư xây dựng mới chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ hội và HTX Tiến Thành.
Về phía HTX Tiến Thành, cam kết chính sách cung ứng con giống trâu, bò, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung chăn nuôi đầu vào và tiêu thụ toàn bộ số lượng trâu, bò theo đăng ký kế hoạch của người tham gia sau khi kết thúc thời gian chăn nuôi vỗ béo. Đồng thời, HTX Tiến Thành cũng hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi để nuôi giun trùn quế, giúp nông dân tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.
“Ưu điểm của mô hình là thời gian chăn nuôi vỗ béo ngắn, thu nhập cao. Bình quân nuôi trâu, bò thịt vỗ béo từ 3 - 4 tháng/lứa, trừ hết chi phí thì 1 con trâu nuôi vỗ béo cho lãi bình quân khoảng 5 triệu đồng/con; 1 con bò nuôi vỗ béo cho lãi bình quân khoảng 3 triệu đồng/con” - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang thông tin.
Để thực hiện tốt mô hình, Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hội ND đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trâu ngố Tuyên Quang” giao cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành sử dụng và làm hạt nhân xây dựng mô hình chuỗi liên kết.
Hội cũng ban hành nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Hội ND tỉnh (khóa IX) về tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương giai đoạn 2019 - 2023; trong đó có sản phẩm “Trâu ngố Tuyên Quang”. Nghị quyết đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và hội viên nông dân; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế tập thể nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu và xúc tiến đầu tư, thương mại…
Nhiều hỗ trợ giúp nông dân tham gia chuỗi liên kết
Đáng chú ý, năm 2019 Hội ND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội nghị ký kết tiêu thụ sản phẩm với các các doanh nghiệp, HTX, THT trong và ngoài tỉnh với HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang. Các hợp đồng kinh tế, thỏa thuận hợp tác được ký kết có giá trị trên 120 tỷ đồng.
Đến nay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã ký hợp đồng chính thức với 16 HTX, THT thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò với trên 150 hộ chăn nuôi là thành viên các HTX, THT tham gia.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh Tuyên Quang có những giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi trâu bằng việc ưu tiên 10,82 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân triển khai 30 dự án chăn nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo. Theo đó, toàn tỉnh đã có 262 hộ nông dân được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, mức vay từ 20 - 40 triệu đồng/hộ để đầu tư mua trâu giống, làm chuồng trại, trồng cỏ... phát triển chăn nuôi trâu.
Với mục tiêu giữ vững và phát triển thương hiệu “Trâu ngố Tuyên Quang”, Hội ND tỉnh đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi trâu. Đến nay, tổng số dự án nuôi trâu, bò đã cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là 65 dự án với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Hội ND tỉnh đã quản lý có hiệu quả ngân hàng bò gần 1.800 con với 3.800 hộ nông dân được hưởng lợi từ chương trình.
Là một trong hàng trăm hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, anh Nguyễn Văn Hỹ ở thôn Liên Nghĩa, xã Quang Vinh (Chiêm Hóa) cho biết: “Gia đình nuôi trâu vỗ béo 2 năm nay. Ban đầu chỉ có 2 con, về sau thấy thu nhập ổn định lại ít dịch bệnh, gia đình quyết định tăng đàn lên 8 con. Nuôi theo mô hình liên kết, chúng tôi không phải lo đầu vào, đầu ra mà có HTX Tiến Thành lo 2 khâu này”.
Cũng theo anh Hỹ, gia đình đã nuôi 3 lứa trâu, mỗi lứa 3 tháng, sau 3 tháng vỗ béo, trừ chi phí, thu lãi 4-5 triệu đồng/con, số tiền lãi 3 lứa trâu được gần 50 triệu đồng. Dự kiến 8 con trâu tới đây được xuất bán, anh thu lãi 40 triệu đồng.
Còn anh Lê Văn Tứ - Giám đốc HTX Tiến Quang cho biết, HTX thành lập cuối năm 2017, gồm 7 thành viên, quy mô nuôi 30 con trâu, bò; nay tăng lên 35 thành viên, số lượng nuôi 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết, nhiều hộ có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.
Theo anh Tứ, ban đầu gia đình anh chỉ nuôi 12 con trâu bò, nay tăng lên 50 con. Trừ chi phí, anh thu lãi 75-80 triệu đồng/lứa.