Anh Khôi lấy những cây rau tươi non từ trong ống nước.
Thật khó có ai đang đi làm với mức lương hấp dẫn nhưng lại trở về quê trồng rau, lập nghiệp lại từ đầu như vợ chồng Anh Khôi- Cẩm Tú.
Năm 2005, anh Ngô Hữu Anh Khôi (SN 1982), anh tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Cần Thơ) cùng vợ là chị Dương Thùy Cẩm Tú tốt nghiệp đại học ngành Chế biến và bảo quản nông sản (Đại học Nông Lâm) đã từng làm việc ở công ty chuyên xuất khẩu cá tra.
Anh chị lãnh lương tông cộng khoảng 50 triệu đồng/tháng, nhưng lại nghỉ việc về quê trồng rau sạch theo kiểu thủy canh.
Trong nhiều năm đi làm thuê, anh Khôi được tham quan nhiều mô hình trồng rau sạch, trong đó có trồng rau thủy canh. Suy nghĩ cặn kẽ, anh Khôi cùng vợ thống nhất nghỉ việc- đi học phương pháp trồng rau thủy canh.
Đầu năm 2017, anh Khôi tìm hiểu và lặn lội lên tận tỉnh Bình Phước, vào Hợp tác xã rau sạch Nguyên Khang để học nghề.
Sau 3 tháng, anh về trồng thử nghiệm cách trồng rau thủy canh trên giàn ngang. Mô hình giàn ngang làm giá cao, xếp ống nhựa liền kề và trên mặt trải tấm nhôm và ni lon rồi khoan lỗ trồng rau.
Với 1.000m2 anh đầu tư ống nước, nhà kính, máy bơm, máy làm mát nguồn nước... hơn 1,1 tỷ đồng. Cứ mỗi mét ngang xếp được 5 ống loại phi 90.
Sau vụ đầu thử nghiệm, anh lại nghĩ ra ý tưởng làm giàn chữ A, mỗi giàn treo được 10 ống, mỗi bên 5 ống với mặt chân ngang 1m sẽ tiết kiệm được diện tích, do có khoảng không gian treo giàn từ cao xuống thấp.
Giàn ngang được anh Khôi làm theo mẫu đã học ở Bình Phước.
Với phương pháp thủy canh, anh Khôi dùng máy bơm nước và máy làm mát nguồn nước hoạt động xuyên suốt để cung cấp nước đầy đủ cho rau.
Hiện tại anh Khôi đang trồng 5 loại rau xanh, giống từ Nhật và Hà Lan. Mỗi vụ khoảng 45 ngày, trong đó 20 ngày gieo hạt trong bầu và khi lên giàn thủy canh 25 ngày sau sẽ thu hoạch. Mỗi cây xà lách khoảng 150g hoàn toàn non tốt, không có lá ủ. Ăn sống hoặc nhúng lẩu đều rất ngon, ngọt. Mỗi ngày anh xuất bán được hơn 150kg với giá 40.000 đ/kg. Hiện mỗi ngày, rau xanh của anh Khôi đã được siêu thị ở Vĩnh Long và Hợp tác xã Rau sạch ở Phường 4, TP Vĩnh Long tiêu thụ.
Anh Khôi cho biết, lúc đầu học cách gieo hạt vào bầu chuyên dùng có giá cao, nên anh dùng lon nhựa rau câu nhỏ- loại đường kín khoảng 4cm, rồi dùi lỗ thay cho bầu chuyên dùng, để tiết kiệm hơn.
Anh Khôi dùng bột xơ dừa ngâm nước xả thật kỹ cho vào bầu, gieo hạt rồi mang vào nhà kính chăm sóc thật kỹ.
Mỗi ngày anh chị đều bận rộn gheo hạt, thu hoạch rau, đưa bầu rau nhỏ vào giàn thủy canh... rồi đến kiểm tra từng cây rau, khi thấy sâu, bệnh là loại bỏ ngay để chống lây lan.
Nhìn thành quả của vợ chồng anh Khôi, ai cũng trầm trồ khen. Nhưng để có thành công bước đầu này, anh chị đã gặp không ít khó khăn.
Anh Khôi cho biết, bước đầu nghỉ việc, không có thu nhập lại tốn kém nhiều, nên riêng việc “đấu tranh tâm lý” cũng rất khó khăn. Vốn liếng cũng là một trở ngại rất lớn.
Mô hình rau thủy canh với giàn treo chữ A.
"Lúc đầu về quê nói ý tưởng ra, các anh chị em ủng hộ, nhưng ba má hai bên không cho. Do vợ chồng đang có việc làm ổn định, thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng là con số ước mơ của nhiều người, nên ba má không cho làm.
Tuy nhiên, khi vợ chồng tôi “thống nhất” rồi thì cả nhà đành chịu và còn hỗ trợ vốn đầu tư"- anh Khôi tâm sự. Theo dự kiến của vợ chồng anh Khôi, khi có nguồn tiêu thụ ổn định, anh chị sẽ làm thêm nhà kín 2.000m2 để trồng rau lá và rau quả.
Hiện vườn rau thủy canh của anh Khôi đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận và được cấp phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Anh Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước cho biết, đây là mô hình mới, đáp ứng nhu cầu an toàn thực phẩm hiện nay.
Về diện tích trồng cũng tiết kiệm tối đa và chỉ đầu tư một lần, không phải làm lại mỗi vụ như trồng rau trên đất truyền thống. Vừa qua Hội Nông dân xã cũng giới thiệu cho nhiều người trong xã đến tham quan, học hỏi.