Vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ: Tiền ảo vẫn sôi động

11/04/2018 10:27
Sau vụ vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ đồng, trên thị trường, các loại tiền ảo vẫn được giới thiệu nhộn nhịp, mời gọi người chơi

Công ty CP Modern Tech đăng ký trụ sở hoạt động tại lầu 9 tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, TP HCM. Ngành nghề kinh doanh chính gồm hoạt động thiết kế chuyên dụng, lập trình máy vi tính, xuất bản phần mềm, đại lý, môi giới, đấu giá, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính…

Chưa giải thể

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết theo đăng ký kinh doanh của Modern Tech thì đại diện pháp luật, giám đốc công ty này là ông Hồ Xuân Văn (SN 1988; ngụ quận 2, TP HCM), vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Theo danh sách cổ đông sáng lập, ngoài ông Văn còn 7 cổ đông sáng lập khác, với vốn góp từ 12-15 tỉ đồng/người. Công ty này bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2017 nhưng thực tế văn phòng thuê tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ là ảo, không hoạt động. Dù vậy, đến ngày 10-4, công ty này vẫn chưa đăng ký giải thể.

Vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ: Tiền ảo vẫn sôi động - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty Modern Tech đăng ký tại số 68 Nguyễn Huệ, TP HCM nhưng thực chất không hoạt động Ảnh: THÁI PHƯƠNG


Chị Hồng, góp khoảng 70 triệu đồng vào tiền ảo iFan, cho biết: "Đến khi bị mất tiền mới thấy công ty lập ra mô hình huy động vốn này để lừa đảo nhà đầu tư. Thấy lãi suất 48%/tháng là cao và cam kết thời gian hoàn vốn 4 tháng, lại do bạn bè giới thiệu nên tôi tin tưởng chứ không tìm hiểu".

Vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ: Tiền ảo vẫn sôi động - Ảnh 2.

Trong một thông tin khác, chiều 10-4, ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mạng lưới hữu nghị (FNC), cho biết FNC hoạt động hơn 10 năm qua với vốn điều lệ hơn 500 tỉ đồng. Ông Cường nhấn mạnh trước đó, một nhóm công ty iFan có công nghệ làm tiền ảo và đặt vấn đề với ông về hợp tác làm tiền ảo và làm ICO để huy động vốn. Dù chưa có văn bản thỏa thuận nào ký kết nhưng nhóm cổ đông của Modern Tech đã dùng uy tín của ông và FNC để chào mời nhà đầu tư nhằm huy động vốn.

"Do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017, tôi có tham dự 2 buổi nói chuyện về các dự án và hoạt động của FNC. Khi biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo thì tôi đã cảnh báo nhà đầu tư và không liên quan đến việc bán ICO phục vụ cho động cơ của dự án iFan. Tôi biết nhóm iFan và Modern Tech đã huy động rất nhiều tiền của nhà đầu tư và không thực hiện một dự án nào như thỏa thuận ban đầu; họ còn thành lập một công ty khác để tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người" - ông Cường phân trần. Ông Diệp Khắc Cường đang thuê luật sư để làm việc với cơ quan chức năng.

Mua bao nhiêu cũng có

Dù vụ lừa đảo tiền ảo iFan đang xôn xao dư luận nhưng ngày 10-4, tại văn phòng giao dịch tiền ảo BNC nằm trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP HCM) không ít người đến mua bán tiền ảo. Đây là đồng tiền do Công ty CP Đầu tư phát triển doanh nghiệp điện tử Việt Nam (BNI) phát hành cuối năm 2017, ban đầu có giá 2 USD/BNC.

Khi chúng tôi ngỏ ý mua tiền ảo BNC, nhân viên BNI thông báo còn 4 ngày nữa đồng tiền này được đưa lên sàn giao dịch quốc tế, mức giá hiện tại là 4 USD/BNC. "Anh muốn mua bao nhiêu cũng có" - nhân viên BNI tư vấn.

Tương tự, tiền ảo TEC do một doanh nghiệp ở TP HCM phát hành năm 2017 cũng có giá 4-5 USD/TEC, được giao dịch khá rầm rộ trên sàn điện tử. Nhiều người chơi tiền ảo TEC cho biết chủ sàn tiền ảo này đang chuẩn bị đưa lên sàn quốc tế, khi đó TEC sẽ có tính thanh khoản cao, đẩy giá trị đồng tiền này tăng lên. Một đồng tiền ảo khác là One Coin cũng đang được nhiều nhà đầu tư giới thiệu.

Quá nhiều rủi ro

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, các sàn giao dịch tiền ảo do doanh nghiệp phát hành là loại hình lợi dụng làn sóng bitcoin để trục lợi từ những người thiếu hiểu biết về tiền ảo. "Thực chất, tiền ảo mà doanh nghiệp phát hành chỉ là ký hiệu giống như một tài sản ảo có biến động giá nhằm lừa đảo người dân" - ông Bảo nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, cho biết công nghệ để tạo ra một loại tiền ảo hiện nay khá đơn giản và đồng tiền này "chết" thì đồng tiền khác sẽ ra đời nên rất rủi ro cho người chơi. Nếu dùng tiền ảo (tiền mã hóa) như một công cụ thanh toán sẽ đem lại giá trị gia tăng cho người dùng. Nhưng thực tế nhiều người đang dùng nó để trục lợi, lừa đảo qua việc huy động vốn đa cấp.

"Bitcoin từ mức 1.000 USD/coin đã lên tới khoảng 20.000 USD/coin trước khi rớt xuống mức 7.000 USD như hiện nay nên không ít người dùng nó để minh chứng cho việc tăng giá của tiền ảo, dụ dỗ người chơi. Nhưng mức lợi tức 48%/tháng, tương đương 1,6%/ngày, là lãi không tưởng" - ông Minh khẳng định.

Việc lợi dụng tiền ảo để huy động vốn hay góp vốn trả lãi siêu lợi nhuận như vụ tiền ảo iFan là bất hợp pháp. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, cho rằng các đối tượng lừa đảo trong vụ này có thể bị xử tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Kinh doanh đa cấp trái pháp luật".

"Một trò lừa đảo với hình thức rất "kinh điển" bằng lãi suất cao bất hợp lý mà vẫn có người tham gia bởi bên cạnh một số người không biết, có thể nhiều người biết rõ nhưng vẫn hy vọng mình sẽ rút ra sớm. Lúc này, cơ quan quản lý cần có động thái chấn chỉnh, cảnh báo rõ ràng và kiên quyết để người dân biết" - ông Đức nhìn nhận.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu đầu tư vào tiền ảo là rất lớn và nhiều người xem đây là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là sau khi giá của đồng bitcoin tăng mạnh trong năm 2017. Nhưng đến nay, khung pháp lý để quản tiền ảo vẫn chưa ra đời.

Trước đó, trong tháng 1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền điện tử như bitcoin tại Việt Nam.

Công an đã nắm tình hình

Ngày 10-4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an và Công an TP HCM cho biết đến giờ chưa nhận được đơn tố cáo của các nạn nhân trong vụ việc bị lừa đảo 15.000 tỉ đồng. Nếu tiếp nhận đơn, những đơn vị này sẽ chính thức mở cuộc điều tra. Dù vậy, trước diễn biến ngày 8-4 khi có nhiều người đến trụ sở Công ty Modern Tech giăng băng-rôn tố cáo bị lừa đảo, Công an quận 1 và Công an TP cho biết cũng đã nắm bắt tình hình, đề phòng những diễn biến phức tạp tại khu vực trung tâm.


Tin mới

Đâu là nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao?
7 giờ trước
Giá cà phê tăng cao ngay giữa vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân vẫn chưa vội bán ra vì hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng
Central Retail Việt Nam và The Garden ký kết hợp tác chiến lược
7 giờ trước
Central Retail Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại The Garden - thành viên của Bitexco Group, công bố hợp tác chiến lược cho giai đoạn 20 năm tiếp theo và mở rộng các thương hiệu lớn của Tập đoàn.
Ford Ranger, Everest đổi trang bị tại Việt Nam: Thêm tiếng Việt, bớt cảm biến, bỏ tính năng từng vượt trội đối thủ
5 giờ trước
Các dòng xe Ford Ranger và Everest tại Việt Nam từ tháng 12/2024 sẽ có giao diện tiếng Việt trên tất cả phiên bản. Bên cạnh đó, tính năng lùi chuồng tự động trên một số phiên bản của 2 dòng xe này sẽ không còn nữa.
Nga phá vỡ kỷ lục về dự trữ vàng, đạt hơn 2.300 tấn đứng thứ 5 thế giới
7 giờ trước
Nga đang đứng thứ 5 thế giới về dự trữ vàng, chỉ xếp sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp và xếp trên Trung Quốc.
Đây là xe tay ga xịn nhất của Honda: Dùng công nghệ như ô tô, 'ăn đứt' SH, giá bán ở Việt Nam gây bất ngờ
7 giờ trước
Đây được xem là mẫu xe tay ga cao cấp nhất của Honda.

Tin cùng chuyên mục

App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
2 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
3 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
3 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
3 ngày trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.